Ngày 25/9/2012, một lễ cưới diễn ra ở xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội) lấy đi nước mắt của nhiều người tham dự.
Chú rể Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1987) liệt cả 2 chân. Cô dâu Trần Thị Ngọc (sinh năm 1986) hoàn toàn lành lặn.
Cả hai quen biết, yêu nhau từ những dòng tin nhắn qua mạng xã hội.
Nhìn lại 4 năm yêu và 8 năm hôn nhân, Mạnh vẫn không ngờ cuộc đời mình sau biến cố vẫn có thể gặp được vợ và trở thành cha của 2 đứa trẻ.
“Tôi luôn tin rằng cuộc đời này vẫn luôn có phép màu”, anh nói với Zing.
Mối tình của Mạnh và Ngọc được nhiều người ví là "cổ tích giữa đời thực" khi một cô gái lành lặn quyết định gắn bó, chăm sóc cho anh chàng liệt 2 chân.
“Con bị liệt rồi”
Tháng 6/2008, Mạnh 21 tuổi, mới đi bộ đội về và học nghề cơ khí để kiếm kế sinh nhai. Vừa đi làm 15 ngày, anh ngã từ độ cao 6-7 m khi đang dựng mái tôn khung sắt và lập tức được chở đi cấp cứu ở Bệnh viện Quân y 103.
Tỉnh dậy sau 1 tuần hôn mê, muốn bước xuống giường nhưng không nhấc chân lên được, Mạnh mới biết mình gặp nạn do ván ngồi đột nhiên gãy. Vì ngã trong tư thế ngồi, anh bị xẹp 1 đốt sống và phù nề 4-5 đốt trên lưng.
Bác sĩ nói anh đã liệt cả hai chân. Chỉ 1 chút nữa 2 tay cũng liệt nốt.
Vì không tự chủ được vệ sinh, trong tháng đầu nằm viện, anh phải đặt ống thông tiểu.
“Thanh niên trai tráng vừa đi lính về, chưa kịp bay nhảy, làm lụng kiếm tiền thì gặp nạn. Lúc đó quả thực trời đất như sụp đổ. Nhiều đêm tôi khóc thầm, chỉ nghĩ tới cái chết”, anh nhớ lại
Anh Mạnh từng muốn kết liễu cuộc đời sau biến cố.
Lời hứa phụng dưỡng cha mẹ của Mạnh chưa thành hiện thực, chỉ sau 1 đêm, hai đấng sinh thành bạc cả mái đầu, thay nhau ngược xuôi lo viện phí và tiền chữa trị cho con trai.
Sau Bệnh viện Quân y 103, Mạnh liên tục chuyển từ Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Hễ được mách nơi nào có cơ hội giúp phục hồi, bố mẹ lại đưa anh sang đó.
Ở Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ kết luận không thể mổ vì có thể làm liệt nốt cả 2 tay. Họ khuyên anh về nhà, tự tập và chỉ có thể chờ đợi phép màu.
“Tôi vẫn ngây thơ nghĩ mình chắc chắn sẽ khỏi. Vì sang tuần thứ 2 tập phục hồi chức năng, ngón chân bắt đầu phe phẩy được 1 chút. Sau đó 1 tuần, cả bàn chân cử động lại được. Sang tuần tiếp theo được nốt bàn chân còn lại. Tôi mừng quá, vẫn nghĩ tới Tết về sẽ đi lại được rồi”.
Anh Mạnh cố gắng tập đi bộ, chạy xe đạp, xe máy để không trở thành gánh nặng cho người xung quanh.
Nhưng mãi sau hơn 1 năm gặp nạn, Mạnh mới ngồi được bằng cách chống 2 tay, đứng lên và bước đi nhờ bám vào các đồ vật xung quanh.
3 năm sau, khoảng năm 2011, anh mới được rời trung tâm tập luyện về hẳn nhà.
“Mỗi sáng, tôi dậy từ 4h để đi tập xe đạp. Ngã không biết bao nhiêu lần. Tập xe xong lại đi bộ. Quãng đường đi và về khoảng 1,5 km, tôi đi mất khoảng 1,5 tiếng, áo đẫm mồ hôi, vắt ra cả nước. Có những ngày đi trong tiếng cười của trẻ con xóm. Tôi tự nhủ bản thân phải cố gắng để không ai phải khổ, phải phục vụ mình”.
Giờ đây, sau nhiều năm luyện tập, hiện tại, anh có thể tự ngồi, đứng, đi lại, dù không thể hoàn toàn bình thường. Đôi khi, anh có thể tự điều khiển xe đạp điện, xe máy đi ra đường mà không cần người kèm.
Người vợ thiệt thòi
Bị liệt 2 chân ở độ tuổi còn quá trẻ là điều không may mắn, nhưng trong những ngày tháng khó khăn nhất, Mạnh gặp được tình yêu của đời mình khi có một cô gái tên Ngọc thường xuyên nhắn tin, hỏi thăm anh qua mạng xã hội.
Một người bạn cùng quê tâm sự với Ngọc về hoàn cảnh của anh và nhờ nhắn tin động viên cho đỡ buồn.
Trò chuyện lâu dần thành quen, sau 1 năm, cả hai yêu nhau tự bao giờ.
Ngọc làm công việc cắt tóc, gội đầu ở Hà Nội, Mạnh ở quê tập phục hồi chức năng. Hai người yêu xa gần 4 năm. Vì không biết đi xe máy, Ngọc chỉ về thăm bạn trai được 2-3 lần mỗi năm.
Năm 2012, hai người tính chuyện cưới nhau và vấp phải sự phản đối từ gia đình. Nhà gái sợ con khổ vì lấy người khuyết tật. Trong khi đó, nhà trai lo Ngọc nhỏ bé (khi đó chỉ nặng 38 kg) sẽ không thể chăm sóc cho chồng bị liệt.
Sau nhiều lần thuyết phục, có cả những lần trò chuyện bình thường, có cả nước mắt, hai người mới thuyết phục được gia đình.
Lễ cưới của Mạnh - Ngọc lấy đi nước mắt của nhều người.
Vượt qua nhiều khó khăn, đám cưới của Mạnh và Ngọc diễn ra vào tháng 9/2012. Nhìn cảnh chú rể người ướt đẫm mồ hôi, “chân nam đá chân chiêu” nhưng vẫn cố tự mình bước vào nhà đón cô dâu, cả hôn trường bật khóc.
Cưới 1 nhau năm mà chưa có con, Mạnh từng nghĩ đến việc chia tay để vợ tìm người khác cho đỡ thiệt thòi. Tuy nhiên, Ngọc nói dù không có con, cô vẫn muốn được chăm sóc cho anh.
Đúng kỷ niệm 1 năm ngày cưới, Ngọc báo cho chồng tin có bầu. Tháng 5/2014, bé Gia Bình chào đời trong niềm vui mừng khôn xiết của 2 bên gia đình. Cuối năm 2018, vợ chồng Mạnh đón bé gái thứ 2, đặt tên là Ngọc Anh.
Giờ nhìn lại, anh Mạnh không ngờ cuộc đời mình lại có thể hạnh phúc đến vậy sau biến cố.
Giọng người đàn ông 33 tuổi chợt buồn khi tâm sự rằng vợ thiệt thòi đủ đường vì hơn 4 năm yêu nhau, anh không thể dẫn chị đi xem phim hay đi chơi xa. Đến giờ, khi đã cưới nhau 8 năm, cả gia đình vẫn chưa có dịp đi du lịch cùng nhau. Dù vậy, Ngọc chưa từng kêu ca nửa lời.
Với Mạnh, gia đình hạnh phúc ở hiện tại như sự bù đắp cho những ngày tháng đau khổ anh từng nếm trải trong quá khứ.
Chưa từng hối hận vì lấy chồng liệt 2 chân
Đến giờ, nhiều người biết chuyện vẫn bảo Ngọc phải dũng cảm lắm mới dám lấy người khuyết tật như Mạnh.
Tuy nhiên, Ngọc nói lựa chọn của mình là do duyên phận và không cần nói quá lên.
“Ngày trước anh Mạnh tỏ tình, tôi nhận lời vì đơn giản nghĩ anh ấy chân như vậy sẽ… không đòi đi chơi. Như thế, tôi có thời gian tập trung cho sự nghiệp. Lúc cưới, tôi vẫn chưa yêu anh ấy, mà chỉ thương là chính. Tôi nghĩ mình có công việc, có điều kiện chăm sóc, bao bọc cho anh”, Ngọc nói.
Hướng ánh mắt dịu dàng sang chồng, Ngọc khẳng định 8 năm làm vợ Mạnh, cô chưa một lần hối hận.
“Anh ấy lãng mạn. Sinh nhật vợ, kỷ niệm ngày cưới, 20/10, 8/3 nào cũng hát tặng vợ. Giờ tình thương của chúng tôi đã trở thành tình yêu, không thể xa nhau dù chỉ một ngày”, cô tâm sự.
Tổ ấm hạnh phúc của anh Mạnh - chị Ngọc.
Biết chân chồng yếu và di chuyển khó khăn, mọi việc từ giao du bên ngoài tới đi khám thai, Ngọc đều tự mình làm.
“Tôi chỉ cho chồng đi lúc quan trọng, để anh ấy vui chứ không hề cảm thấy tủi thân. Tôi không muốn anh ấy chân yếu lại phải ngồi lâu sốt ruột, hay đi đứng bị ngã”.
Hiện tại, Ngọc nói cuộc sống của mình gói gọn trong 2 từ “viên mãn”. Bởi Mạnh sức khỏe ngày một tốt lên, đi được xe máy, có thể chở vợ con đi khắp nơi, kinh tế cũng ổn định.
Ngọc chỉ mong gia đình có sức khỏe, mãi bên nhau hạnh phúc. Còn Mạnh mong ước mua được chiếc ôtô để chở vợ con đi chơi ít nhất mỗi năm 1 lần.