CEO Trungnam Group: Bản lĩnh Việt, khát vọng Việt đã giúp chúng tôi có được thành tích như hôm nay.

“Có một danh hiệu thì không khó, nhưng giữ được danh hiệu đó ở đỉnh cao thì rất khó. Trung Nam có thể không phải là doanh nghiệp đứng đầu về quy mô dự án, nhưng chúng tôi đảm bảo chất lượng, an toàn. Và đặc biệt, thời gian luôn phải nhanh nhất. Để đảm bảo việc đó, chuyện ăn ngủ cùng anh em dự án với tôi là thường”. Bản lĩnh Việt, khát vọng Việt đã giúp chúng tôi có được thành tích như hôm nay.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group), người được coi là “linh hồn” của các dự án mà Tập đoàn đang triển khai.

nguyen-tam-tien-ceo-trung-nam-1626742531.jpg
CEO Trungnam Group Nguyễn Tâm Tiến.

Còn nhớ cách đây 5 năm, khi Trung Nam Group thông tin về việc thực hiện dự án Tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo, trong đó có dự án điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng đều bày tỏ sự kinh ngạc khi Trungnam Group khẳng định mục tiêu hoàn thành dự án trong một khoảng thời gian “thần tốc”. Có lẽ khi ấy địa phương cũng khó lòng tin tưởng khi nhìn thấy bao khó khăn ngổn ngang tại vùng đất chỉ có nắng và gió này. Nhiều người còn quả quyết với khối lượng công việc khó, mới, phức tạp thế này thì chỉ có ở Hà Lan, người Hà Lan mới có thể hoàn thành được nó.

Thế nhưng, không chỉ hoàn thành Tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo quy mô lớn nhất nước, năm 2020 vừa qua, Trungnam Group còn đạt kỷ lục khi hoàn thành Nhà máy điện mặt trời 450 MW kết hợp đường dây 500 kV trong 102 ngày đêm. Bản lĩnh Việt, khát vọng Việt đã giúp chúng tôi có được thành tích như hôm nay.

Vùng đất chỉ có nắng và gió… nhưng “độc nhất vô nhị”

Vì sao Trungnam Group chọn Ninh Thuận làm nơi ghi dấu ấn của Tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng năng lượng tái tạo?

Như các bạn thấy, Ninh Thuận là vùng đất chỉ có nắng và gió, đất đai khô cằn xen với đồi núi, mùa nắng hanh khô, đất như nứt vỡ ra từng cục…. Thời điểm cách đây 5 năm, du lịch tại Ninh Thuận còn rất hạn chế, người dân chỉ làm nông nghiệp. Nhưng là một nhà đầu tư, khi nhìn vào vùng đất này, chúng tôi nhìn vào tiềm năng, chứ nếu chỉ nhìn vào hạn chế thì đầu tư sao được!

trung-nam-3-1626742571.jpg
Trung Nam Group thông tin về việc thực hiện dự án Tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo, trong đó có dự án điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận

Là nhà đầu tư năng lượng, Trung Nam nhận định nắng và gió chính là thuận lợi. Thậm chí, đây còn là nơi duy nhất tại Việt Nam có thể làm được tổ hợp điện gió-mặt trời. Bởi, thông thường những nơi đã làm được điện mặt trời thì rất ít gió, cho nên tổ hợp này tại Ninh Thuận có thể nói là “độc nhất vô nhị”.

Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng về gió với 14 vùng, trên tổng diện tích khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt, ở Ninh Thuận ít có bão và lượng gió đều đặn suốt 10 tháng/năm, bảo đảm cho turbine gió phát điện ổn định. Ngoài ra, Ninh Thuận còn có điều kiện tiếp nhận một lượng lớn bức xạ mặt trời với tổng số giờ nắng trung bình 2837,8 giờ/năm, cao nhất trên cả nước. Sự chênh lệch về bức xạ mặt trời giữa các mùa trong năm không cao cũng là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời.

cang-bien-ca-na-2-1626742741.jpg
Trung Nam đã nhận chuyển nhượng dự án Cảng Cà Ná từ Tập đoàn Hoa Sen. Cảng này sẽ mở ra một cánh cửa để phát triển kinh tế cho cả vùng.

Tuy nhiên phải thừa nhận, việc đầu tư có nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, lao động tay nghề cao ở địa phương, việc di chuyển, ăn ở cho người lao động… trong khi để hoàn thành một dự án điện gió, nhà đầu tư phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, sử dụng lực lượng lao động lớn, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trên thế giới với sự hỗ trợ từ nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Rất may mắn cho Trung Nam, khi đầu tư, chúng tôi nhận được sự ủng hộ của Tỉnh ủy, các sở ban ngành hỗ trợ trong việc giải quyết các chính sách tại địa phương.

Có thể nói, Ninh Thuận tuy là địa phương nhỏ về quy mô kinh tế và dân số, nhưng con người ở đây rất hiếu khách và Trung Nam trân quý điều đó vô cùng. Tính đến hết năm 2020, chúng tôi đã đầu tư vào Ninh Thuận hơn 1,5 tỷ USD, mỗi năm mang lại doanh thu trên địa bàn hơn 5.400 tỷ VND.

‘Ai dám làm dự án đó trong 4 tháng?’

Hoàn thành Dự án Trạm biến áp 500 kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW trong 102 ngày đêm được coi là kỷ lục chưa từng có của các doanh nghiệp làm năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Trung Nam có thực hiện được điều kỳ diệu này ?

Việc hoàn thành Dự án Trạm biến áp 500 kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW trong thời gian 102 ngày đêm, hoàn thành, đưa vào vận hành dự án vào tháng 10/2020 vừa qua là một kỷ lục mà chính chúng tôi cũng không ngờ tới. Tuy nhiên, với mục tiêu thực hiện dự án trong 102 ngày, Trungnam Group đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong vòng 45 ngày đầu tiên; cùng với hơn 8.000 con người từ cán bộ, kỹ sư, công nhân triển khai thi công xuyên suốt ngày đêm trên diện tích 557,09 ha để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

cang-bien-ca-na-1626742833.jpg
Tính đến hết năm 2020, chúng tôi đã đầu tư vào Ninh Thuận hơn 1,5 tỷ USD, mỗi năm mang lại doanh thu trên địa bàn hơn 5.400 tỷ VND.

Bạn hỏi chúng tôi có “chạy đua tiến độ” để đạt danh hiệu hay không thì tôi xin trả lời rằng, có một danh hiệu thì không khó, những giữ được danh hiệu đó luôn ở đỉnh cao thì rất khó. Trung Nam có thể không phải là doanh nghiệp đứng đầu về quy mô dự án, nhưng chúng tôi đảm bảo chất lượng, an toàn và đặc biệt, thời gian luôn phải nhanh nhất. Để đảm bảo việc đó, chuyện ăn ngủ cùng anh em công nhân thi công dự án, với tôi là chuyện bình thường.

Nhà máy điện mặt trời 450 MW kết hợp đường dây 500 kV vừa nói ở trên, ai dám làm dự án đó trong 4 tháng? Nhưng riêng Trung Nam, nếu không xong dự án đó, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, không còn đường lùi…

Chưa kể, cả một dự án mười mấy nghìn tỷ không kịp hưởng giá FIT, chúng tôi chỉ có nước sạt nghiệp (cười). Nhưng dám làm thì phải chấp nhận cuộc đua khốc liệt.

Nói vậy nhưng chúng tôi thực hiện được kỳ tích nêu trên cũng do chúng tôi đã có kinh nghiệm và tìm đúng người tư vấn. Khi làm dự án điện gió lớn, lên tới 45 trụ gió trên độ cao 120 m, nâng những cấu kiện hàng trăm tấn mà không xảy ra tai nạn gì, đúng là may mắn và là kỳ tích. Có được điều đó là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, của các bộ ngành và chính quyền địa phương, nhờ có sự quyết tâm rất cao và trách nhiệm của lực lượng cán bộ, công nhân. Và điều không thể thiếu là Trung Nam có được các chuyên gia nước ngoài rất giỏi, không an toàn họ lắc đầu ngay. Họ chẳng có thắp hương hay cúng heo quay gì đâu (cười), chỉ là họ rất chuyên nghiệp và kỹ thôi.

Chuyển nhượng cũng là cách để làm mình khỏe hơn

Vừa qua, Trung Nam vừa chuyển nhượng 35,1% cổ phần nhà máy điện gió Trung Nam cho Công ty Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE), thuộc Tập đoàn Hitachi. Vì sao Trung Nam lại quyết định bán cổ phần của dự án đã làm nên thương hiệu cho tập đoàn?

Đối với doanh nghiệp, tiền là máu, phải chảy, ngừng chảy là chết. Vì thế, việc chuyển nhượng này cũng là cách để làm mình khỏe hơn.

Việc một tập đoàn lớn của thế giới tham gia vào dự án của chúng tôi còn minh chứng một điều là chúng tôi hoạt động minh bạch, dự án khả thi, nhiềm tiền năng và uy tín của chúng tôi lớn. Họ tham gia sẽ giúp Trung Nam tiếp cận được những kỹ năng quản trị tiên tiến toàn cầu, giúp nâng vị thế, hình ảnh Trung Nam nói riêng, hình ảnh môi trường đầu tư Việt nam nói chung.

Ví dụ như tôi mua xe chạy du lịch, ngành du lịch phát triển, làm ăn tốt, mà tôi cứ giữ xe đó tự chạy cho mình, thì mãi mãi cũng chỉ chở được từng đó. Vậy chẳng bằng tìm một đối tác, chuyển nhượng 30 đến 35%, dùng tiền đó rồi vay thêm mua chiếc xe nữa thì sẽ có hai chiếc xe để chở khách.

Năng lượng cũng vậy thôi, chúng tôi bán cổ phần để có tiền làm thêm dự án, còn không bán sẽ không thể tăng dòng tiền và chứng minh cho các ngân hàng thấy rằng mình có khả năng phát triển. Đây là cách làm mà các doanh nghiệp trên thế giới đều đã thực hiện từ rất lâu, không phải mới.

Mặt khác, về luật, không ai cấm các chủ đầu tư chuyển nhượng cổ phần của mình cũng như giới hạn tỷ lệ chuyển nhượng, trừ một số lĩnh vực luật quy định. Nhưng riêng Trung Nam, chúng tôi tự đặt ra nguyên tắc không bán cổ phần chi phối các dự án điện của mình.

Khi chuyển nhượng cổ phần, chúng tôi đã thỏa thuận về việc Trung Nam sẽ vận hành các nhà máy của mình. Các nhà đầu tư có thể tham gia về mặt tài chính, nếu cảm thấy có cơ hội. Trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi tự tin có thể tự vận hành tốt và không để mất quyền kiểm soát.

Việc chọn đối tác để chuyển nhượng cổ phần, chúng tôi cũng có tiêu chí ưu tiên các nhà đầu tư trong nước trước, rồi mới tính tới các nhà đầu tư nước ngoài, và phải xem xét các nhà đầu tư có năng lực lõi và nền tảng tốt.

Tiếp tục chinh phục....

Vậy mức giá điện gió được đề xuất giảm sau 1/11/2021 có là áp lực với các dự án tiếp theo của Trung Nam không?

Thời gian vừa qua, Nghị quyết 55-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã giúp lĩnh vực năng lượng cởi mở hơn, thoáng hơn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước. Và khi có cơ chế giá FIT, thì doanh nghiệp ở đâu cũng vậy, họ giống như những con ong, "thấy ở đâu có mật thì bay vào đó”. Trung Nam cũng không ngoại lệ, nơi nào có cơ hội thuận lợi, có tiềm năng, phát triển ổn định lâu dài thì Trung Nam sẽ hướng đến.

Tuy nhiên, chúng tôi hiểu cơ chế ưu đãi là hữu hạn, bất kỳ một thay đổi nào về cơ chế giá đều ảnh hưởng đến doanh nghiệp, trong đó có Trung Nam. Thời hạn ưu đãi giá FIT vừa qua đã tạo ra một “cuộc đua” điện gió, thậm chí còn khốc liệt hơn nhiều so với điện mặt trời.

Hiện nay, đầu tư vào điện gió có lúc giảm giá nhẹ, nhưng rồi giá lên lại vì sắt thép, giá dầu đang tăng. Thêm vào đó, dự án điện gió để làm được phải mất tới một năm đo gió, một năm đặt thiết bị và ít nhất một năm lắp đặt, với điều kiện doanh nghiệp phải có kinh nghiệm. Chưa kể, COVID-19 xảy ra, các nơi sản xuất thiết bị điện đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiết bị phục vụ lắp đặt điện gió không đủ. Chuyên gia nước ngoài không sang kịp và bản thân lao động Việt Nam ở một số địa phương cũng bị giãn cách xã hội, dẫn đến cản trở công việc.

Sắp tới chúng tôi nhận định nền kinh tế sẽ còn căng thẳng và khó khăn với các doanh nghiệp làm năng lượng tái tạo. Do vậy, tôi vẫn mong Chính phủ có thể giữ thời hạn giá FIT điện gió thêm một thời gian nữa.

Khi chuyển nhượng cổ phần, chúng tôi đã thỏa thuận về việc Trung Nam sẽ vận hành các nhà máy của mình. Các nhà đầu tư có thể tham gia về mặt tài chính, nếu cảm thấy có cơ hội.

Sắp tới, Trung Nam có những dự án điện gió nào?

Có người nói khi chúng tôi bán cổ phần là sẽ không còn làm điện gió nữa, nhưng tôi xin khẳng định, Trungnam Group sẽ tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới, thể hiện vai trò là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong cả nước ở lĩnh vực năng lượng. Sắp tới, Trung Nam sẽ triển khai đồng loạt các dự án năng lượng tái tạo với mục tiêu hòa lưới hơn 3000 MW (3 GW) tại Trà Vinh, Gia Lai, Đắk Lắk và Ninh Thuận.

Với phương châm Đầu tư bền vững – Xây dựng tương lai, Trungnam Group sẽ chinh phục được những mục tiêu mới trong lĩnh vực năng lượng, đảm bảo nguồn năng lực thần tốc và uy tín với các đối tác trong nước và quốc tế. Một bí quyết nữa đã giúp Trung Nam đạt nhiều thành tựu lớn trong lĩnh vực năng lượng – đó là chúng tôi làm việc với

Bản lĩnh Việt, khát vọng Việt.

Trung Nam vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng khi mua lại dự án Cảng tổng hợp Cà Ná, thưa ông?

Trung Nam đã nhận chuyển nhượng dự án Cảng Cà Ná từ Tập đoàn Hoa Sen. Cảng này sẽ mở ra một cánh cửa để phát triển kinh tế cho cả vùng chứ không chỉ riêng cho chúng tôi.

Sở dĩ lựa chọn Cảng Cà Ná bởi chúng tôi nhận định rằng, những cảng lớn của TPHCM hay Bà Rịa-Vũng Tàu, trong tương lai rồi cũng sẽ đầy công suất, vì sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất từ nước ngoài về Việt Nam. Ninh Thuận rất gần TPHCM, đường cao tốc cũng chuẩn bị được xây dựng, nếu giải tỏa cả đường biển, đường bộ, đường sắt một cách đồng bộ thì khu vực này sẽ phát triển nhanh và bền vững. Ninh Thuận có vị trí địa chính trị rất quan trọng và nhiều tiềm năng phát triển.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã đồng ý cho quy hoạch Trung tâm điện khí LNG Cà Ná quy mô 6.000 MW, đã phê duyệt giai đoạn 1 với công suất 1.500 MW. Đây cũng là một thuận lợi. Cà Ná có địa hình tự nhiên nước sâu cho nên tàu trọng tải lớn có thể ra vào rất thuận lợi. Nếu Chính phủ quyết định xây dựng khu liên hợp điện khí Cà Ná, cảng Cà Ná cũng sẽ phục vụ đắc lực cho khu liên hợp này vì có 2 kè chắn sóng bao cảng lại và 25 phân khu của cảng Cà Ná sẽ phát triển cùng với điện khí Cà Ná. Với những điều kiện thuận lợi như trên, cá nhân tôi cho rằng, cả góc độ kỹ thuật và kinh tế, thì Trung tâm điện khí Cà Ná cũng như cảng Cà Ná sẽ giúp "mở toang" kinh tế cho cả vùng này phát triển.