Tin giả đang trở thành vấn đề nhức nhối của mọi quốc gia. Hàng tháng, facebook cũng phải gỡ bỏ hàng tỷ tài khoản giả mạo và những nội dung sai sự thật. Tin giả dù ở cấp độ nào, lĩnh vực nào cũng sẽ gây ra những hệ luỵ và khi tin giả được dùng vào mục đích, động cơ chính trị thì hậu quả càng khôn lường. Có những quốc gia, chỉ vì một tin giả đã dẫn đến sụp đổ chính quyền đương nhiệm. Đối với Việt Nam, tin giả, tin đồn cũng đang là vấn đề nhức nhối.
“Thuốc lá điện tử có thể chữa khỏi ung thư”, “Mạng 5G là nguyên nhân gây ra Covid-19". "Thiên thạch sẽ lao vào trái đất năm 2020”. Đó là những thông tin hoang đường, không có thật. Vậy mà một thời gian dài nó được lan truyền trên các trang báo, các trang mạng xã hội, gây hoang mang trong xã hội.
Thật hay giả? Giả hay thật? Đây là những câu hỏi hằng ngày khi chúng ta tiếp cận với những thông tin trên Internet. Mới đây, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội facebook và fanpage đăng tải thông tin sai lệch về Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước đó, nhiều tài khoản facebook đã đăng tải những thông tin, những đoạn video, clip không đúng sự thực. Rất nhanh chóng, những tin giả được lan truyền, chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội. Ngay như mới đây, liên quan đến sự kiện Chủ tịch nước Tô Lâm được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu giữ chức Tổng Bí thư, trên một số trang báo VOA, RFI và trên một số trang mạng phản động cũng xuất hiện những tin giả theo kiểu suy diễn, bình luận mang màu sắc chính trị. Những tin giả đã làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang, dao động trong xã hội. Tin giả không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn phổ biến đến mức báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Mới đây, trên mạng xã hội Twitter, một tài khoản đã chia sẻ một video diễn tả một tay súng Hamas sử dụng tên lửa vác vai bắn cháy một trực thăng của Israel. Video này nhanh chóng lan truyền, thu hút gần 1 triệu lượt xem. Tuy nhiên, video này sau đó được xác định là cắt ghép từ trò chơi điện tử. Ở Mỹ, tin giả về gian lận trong cuộc bầu cử đã kích động đám đông ủng hộ cựu Tổng thống Trump tấn công vào Toà nhà Quốc hội.
Tại Trung Quốc, một người đăng tải một đoạn video, ghi lại cảnh người này tìm thấy hai cuốn sách của một du học sinh Trung Quốc bỏ quên tại một nhà hàng ở Paris, kèm theo đó là lời kêu gọi cộng đồng mạng tìm giúp chủ nhân của cuốn sách để trả lại. Đoạn video thu hút 5 triệu lượt xem trên mạng xã hội và trở thành chủ đề quan tâm rất lớn tại Trung Quốc. Nhưng sau đó, sự thực lại không đúng như vậy. Người này đã mua cuốn sách, dàn dựng video và đăng tải lên mạng xã hội. Cơ quan chức năng, buộc đối tượng phải công khai xin lỗi công chúng và khoá tài khoản.
Khi Intenet phủ sóng tới mọi ngõ ngách của đời sống, khi mạng xã hội trăm hoa đua nở, lượng thông tin trên mạng xã hội rất lớn, mỗi người đều có thể đăng, có thể chia sẻ những gì mình nghe, mình thấy, mình cảm nhận lên mạng xã hội.
Khi cuộc sống ngày càng bận rộn nên việc dành thời gian để tìm hiểu, kiểm chứng thông tin lại càng ít. Họ sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng bình luận về những gì họ thấy. Do vậy mà tin giả có mảnh đất màu mỡ để sinh sôi phát triển. Cũng do chạy đua thông tin mà ngay cả nhiều tờ báo cũng bị "sập bẫy" tin giả, hùa theo đưa tin, đăng tải tin giả. Nhiều người nổi tiếng cũng vấp phải bẫy tin giả, lan truyền cổ xuý cho tin giả.
Nhiều tin giả nhuốm màu sắc chính trị được các đối tượng gia tăng tần suất, cường độ và mức độ để chống phá Việt Nam. Họ sử dụng tin giả theo kiểu dạng tin đồn thổi để kích động, chống phá đất nước. Trong thời đại công nghệ số, trí tuệ nhân tạo bùng nổ như hiện nay, việc cắt ghép hình ảnh, tạo dựng video rồi gán ghép, biến thành sự việc, hiện tượng khác trở nên dễ dàng. Các đối tượng cũng biến hoá tin giả theo nhiều cách, có khi là hoàn toàn không đúng sự thật, có khi nửa thật nửa giả, cũng có khi đa phần là thật những chỉ có một phần là giả. Nhưng dù thế nào thì vẫn là tin giả, thông tin không đúng bản chất vấn đề. Khi thông tin không đúng, sẽ dẫn dắt dư luận đến một trạng thái tâm lý, cảm xúc khác, mà phần nhiều là mang màu sắc tiêu cực.
Tin giả, với tốc độ lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, đã trở thành một trong những thách thức lớn đối với các thể chế chính trị trên toàn cầu. Chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp tin giả gây ra những hậu quả nghiêm trọng, từ việc làm xói mòn niềm tin của công dân vào chính phủ, gây nên sự chia rẽ xã hội. Từ đó, dẫn đến sự sụp đổ của cả một thể chế chính trị. Đó là những hệ luỵ khôn lường khi tin giả nhuốm màu sắc chính trị. Đó là những hệ lụy khôn lường khi tin giả nhuốm màu sắc chính trị.
Để ngăn chặn tin giả, nhiều quốc gia đã ban hành các biện pháp cứng rắn, nghiêm khắc. Tại Singapore, việc phát tán tin giả có thể đối mặt với mức hình phạt lên tới 72.000 USD và có thể chịu xử phạt tù 10 năm. Đạo luật Công nghệ Thông tin của Ấn Độ quy định, những hành vi phát tán thông tin giả có thể bị xử lý hình sự, bao gồm án tù. Tại Việt Nam, việt đăng tải, phát tán tin giả cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, cuộc chiến chống tin giả đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài chế tài xử phạt đủ mạnh, cần thiết phải có sự chủ động trong việc cung cấp thông tin cho người dân, tránh để tạo ra khoảng trống thông tin, gây nên những hoài nghi, bất an trong xã hội. Việc cung cấp thông tin đúng, kịp thời, chuẩn xác sẽ góp phần đẩy lùi tin giả, ngăn chặn tin giả, làm cho tin giả không có đất sinh sôi, nảy nở. Qua đó, định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực, thay vì họ đang bị thông tin sai lệch và tiêu cực dẫn dắt. Bên cạnh đó phải tạo dựng cho công dân ý thức và trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội.
Trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, tin giả đã trở thành một vũ khí nguy hiểm, được các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá, gây rối loạn thông tin, chia rẽ xã hội và làm suy yếu niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Do vậy, việc phòng chống tin giả không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là một biện pháp hiệu quả để bảo vệ nền hoà bình và sự ổn định của đất nước.
Theo VOV.vn
Trở thành người bình luận đầu tiên