Cách tính lãi suất tiết kiệm ở mỗi ngân hàng sẽ tùy thuộc vào kỳ hạn gửi tiền của khách. 

Cách tính lãi suất tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn

Với hình thức gửi tiết kiệm không kỳ hạn, chủ thẻ có thể rút tiền ở mọi thời điểm mà không cần thông báo trước cho ngân hàng.

Công thức tính lãi suất huy động không kỳ hạn được quy định như sau:

Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%/năm) x số ngày thực gửi/365

null
(Ảnh minh hoạ).

Ví dụ: Bạn gửi tiết kiệm 100.000.000 đồng không kỳ hạn tại ngân hàng với mức lãi 3%/năm. Thời điểm bạn rút số tiền tiết kiệm đó là sau 6 tháng gửi tiền, tức 180 ngày. Áp dụng công thức trên, cách tính lãi tiền gửi tiết kiệm trong trường hợp này như sau:

Tiền lãi = 100.000.000 x 3% x 180/365 = 1.479.452

Như vậy, sau 6 tháng gửi tiết kiệm không kỳ hạn số tiền 100.000.000 đồng, số tiền lãi bạn nhận được là 1.479.452 đồng.

Trong ví dụ trên, giả định cả 6 tháng bạn gửi tiết kiệm đều có 30 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, số ngày thực gửi tùy thuộc vào việc bạn bắt đầu mở sổ tiết kiệm vào thời điểm nào trong năm. Chẳng hạn như tháng 2 có 28 ngày, tháng 3 có 31 ngày, tháng 4 có 30 ngày. Ngoài ra, công thức tính tiền lãi trên chưa bao gồm các phụ phí, tỷ lệ lạm phát...Vậy nên, trên thực tế, số tiền lãi thực nhận của bạn có thể thấp hơn.

Cách tính lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng có kỳ hạn

Bên cạnh hình thức gửi tiết kiệm không kỳ hạn, bạn còn có thể gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng. Đối với loại hình gửi tiết kiệm này, số tiền gửi sẽ được quy định cam kết về kỳ hạn và mức lãi suất cố định.

Mỗi ngân hàng có nhiều mức kỳ hạn khác nhau phù hợp với từng nhu cầu của khách hàng như gửi tiết kiệm theo tuần, tháng, quý, năm...Chỉ khi rút tiền đúng kỳ hạn đã thỏa thuận với ngân hàng, bạn mới nhận được đủ tiền lãi tiết kiệm.

Cách tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng theo ngày:

Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%/năm) x số ngày thực gửi/365

Cách tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm theo tháng:

Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất/12 x số tháng thực gửi

Cách tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng theo năm:

Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất x số năm thực gửi

Kinh nghiệm gửi tiết kiệm ngân hàng sinh lời cao

Lựa chọn kỳ hạn gửi tiết kiệm phù hợp: Với mỗi kỳ hạn, các ngân hàng sẽ quy định mức lãi suất khác nhau. Kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao. Tùy theo mục đích tiết kiệm như để mua xe, mua nhà, chuẩn bị tiền cho con du học, đi du lịch hay dưỡng già, bạn có thể chọn gói tiết kiệm với kỳ hạn phù hợp. Nếu điều kiện kinh tế chưa ổn định, bạn nên gửi tiết kiệm với kỳ hạn ngắn để dễ dàng rút tiền khi cần trong trường hợp khẩn cấp.

Chia nhỏ số tiền tiết kiệm: Thay vì “để hết trứng trong một giỏ”, bạn nên chia thành 2 - 3 phần. Khi cần rút tiền gấp, bạn chỉ cần rút một sổ tiết kiệm nhỏ thay vì phải rút cả sổ tiết kiệm với số tiền lớn.

Ghi nhớ kỳ hạn gửi tiết kiệm ngân hàng: Tại một số ngân hàng, khi qua thời hạn tất toán, sổ tiết kiệm của bạn sẽ tự động bị chuyển về trạng thái không kỳ hạn trong thời gian tiếp theo. Từ đó, bạn phải nhận mức lãi suất thấp hơn cho giai đoạn quá hạn tất toán.

Gửi tiết kiệm ngân hàng online: Khi gửi tiết kiệm online, mọi giao dịch thực hiện như gửi tiền, rút tiền đều hiển thị và lưu trữ trên ứng dụng của ngân hàng/Internet Banking. Hiện các ngân hàng thường áp dụng nhiều ưu đãi đặc biệt và mức lãi suất nhỉnh hơn cho khách hàng gửi tiết kiệm online.

PHẠM DUY (Tổng hợp)