Các tỉnh miền Trung chuẩn bị nguồn hàng Tết phong phú, dồi dào

Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, các tỉnh miền Trung đã xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa phong phú phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Hiện nay giá cả các mặt hàng thiết yếu tại TP. Đà Nẵng đang giữ mức ổn định. Ảnh: VGP/Minh Trang

Sở Công thương TP. Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã làm việc, vận động hơn 12 doanh nghiệp, hệ thống thương nhân kinh doanh tại 4 chợ lớn và các tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn Thành phố chủ động dự trữ hàng hóa phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021 với tổng giá trị dự kiến khoảng 1.710 tỷ đồng.

Trong đó, các đơn vị dự trữ chủ yếu các mặt hàng như gạo nếp 240 tấn, 1.300 tấn thịt heo, 11.000 tấn rau củ quả, 500 tấn bánh kẹo mứt các loại…

Ông Đoàn Ngọc Minh, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết sẽ có khoảng 15-16 điểm bán tập trung tại các chợ gần các khu dân cư, bảo đảm phân bổ hợp lý tại các quận/huyện. Các điểm bán hàng bình ổn được tổ chức dự kiến trong ba ngày 9-11/2 (ngày 28-30 tháng Chạp Âm lịch). Sản phẩm bán gồm thịt heo các loại và thịt heo phụ phẩm. Doanh nghiệp tham gia cam kết bán bằng giá xuất tại lò mổ, thấp hơn thị trường. Sở Công Thương sẽ hỗ trợ một phần chi phí tổ chức bán hàng.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tiếp tục triển khai đưa hàng phục vụ đồng bào miền núi tại hai xã Hòa Phú và Hòa Liên (huyện Hòa Vang). Mỗi địa điểm sẽ tổ chức một chuyến xe lưu động đưa hàng và phục vụ bán hàng từ các ngày 15-18 tháng Chạp với các giá ưu đãi.

Tại Quảng Ngãi, Sở Công Thương đã lên phương án, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ và chủ động cung ứng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo Sở Công Thương Quảng Ngãi, hàng hóa phục vụ cho Tết Tân Sửu dồi dào, phong phú, nhiều chủng loại, bao bì đẹp; giao thông thông suốt, thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hạ tầng thương mại nông thôn đang được đầu tư phát triển với nhiều loại hình phong phú như: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng cố định…

Đại diện Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết, đơn vị cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh chủ động có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, đảm bảo về chất lượng và tham gia điều tiết, bán hàng bình ổn khi có hiện tượng khan hàng, tăng giá đột biến.

Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tổ chức chuyến hàng đưa hàng Việt về nông thôn. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã xây dựng 9 điểm bán hàng Việt tại các huyện: Bình Sơn, Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Sơn Tây, Minh Long và Đức Phổ; xây dựng 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP. Quảng Ngãi và huyện Mộ Đức đã góp phần phân phối nguồn hàng đến với nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Còn theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, thời điểm bắt đầu diễn ra hoạt động mua sắm hàng Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng (tính từ ngày 01/01 đến 28/02/2021) tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 5.500 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với Tết Canh Tý 2020 do thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh COVID-19 và bão lụt trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, nhu cầu hàng hóa phục vụ trong tháng Tết Nguyên đán 2021, chủ yếu tập trung một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo tẻ 26.880 tấn, gạo nếp 8.960 tấn, thịt lợn 2.016 tấn, thịt trâu, bò 672 tấn, thịt gia cầm 2.240 tấn, thủy hải sản tươi, đông lạnh 2.330 tấn, rau củ quả 14.336 tấn, bánh kẹo 2.000 tấn..

Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường vào dịp Tết, Sở Công Thương Quảng Bình phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa. Phối hợp với các cơ quan, địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tổ chức các chương trình bán hàng tết, hội chợ triển lãm thương mại, đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn nhằm kích cầu tiêu dùng, triển khai việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Minh Trang