Mẫu thuốc do Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Bến Tre lấy mẫu tại quầy thuốc tây số 532, xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Thuốc Phong tê nhức Hổ Chốt Hoàn, Số đăng ký: VD-93312-13 chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành. CSĐND Thái Sơn, Địa chỉ: 399 Trần Hưng Đạo, Ba Đình, Hà Nội chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và thuốc có trộn với Paracetamol.
Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và trên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế thông tin về thuốc giả có tên: Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm nêu trên. Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm thuốc giả nêu trên, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành; kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc giả nêu trên.
Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm và thông tin về thuốc giả (bao gồm cả hình ảnh sản phẩm, nhãn, hướng dẫn sử dụng) về Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền để thông báo rộng rãi cho người sử dụng biết, tránh sử dụng thuốc giả, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.
Được biết, Thuốc Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn được quảng cáo hỗ trợ giảm phong thấp, nhức mỏi, đau lưng, tê tay tê chân, viêm khớp, tê bại, đổ mồ hôi tay chân, thần kinh tọa, nhức đầu, gai cột sống, thoái hóa khớp, bổ thận, bồi dưỡng cơ thể, ăn ngủ được, đau vai gáy, thần kinh liên sườn, bệnh gút...
Theo Bộ Y tế, thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc và có thể có ảnh hưởng xấu trên đại bộ phận dân chúng.
Với các thuốc giả, những tác dụng phụ trên bệnh nhân có khả năng xảy ra thường xuyên và khó kiểm soát do cán bộ y tế không xác định chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả. Trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.
Một số trường hợp thuốc giả chứa hoạt chất, thậm chí là tá dược kém chất lượng không tinh khiết và lẫn độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong. Các kim loại nặng và các chất độc có thể gây triệu chứng nhiễm độc bao gồm thay đổi chức năng tim, biến đổi nồng độ đường huyết, khó thở hay suy giảm chức năng của các cơ quan trọng của cơ thể.
Hầu hết các sản phẩm thuốc của hãng có uy tín, có thương hiệu và mức độ được sử dụng cao đều có nguy cơ bị làm giả do nguồn lợi nhuận khổng lồ. Để tránh mua phải thuốc giả, người tiêu dùng nên lưu ý mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ lớn có uy tín và tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi đặc biệt các thuốc được rao bán trên mạng internet.
Khi mua các loại thuốc đã quen dùng cần quan sát kỹ thuốc để phát hiện những bất thường về bao bì, dạng thuốc... Nếu có sự nghi ngờ nên nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn. Người tiêu dùng nên luôn luôn kiểm tra hạn sử dụng của thuốc để tránh các thuốc hết hạn dùng, cảnh giác với những thuốc có giá thấp bất thường, tìm hiểu và sử dụng các công nghệ xác minh, tem chống hàng giả để tránh mua phải thuốc giả, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.