Dự án "ma" lộng hành
Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, các dự án bất động sản “ma”, dự án bất động sản “ảo” vẫn tiếp tục xuất hiện để lừa đảo, trục lợi bất chính. Không ít dự án đã “treo” trong thời gian dài làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại đến quyền và lợi ích của người dân, nhà nước, gây bức xúc trong xã hội. Vậy nhưng, việc xử lý các dự án treo, dự án “ảo” đến nay vẫn lúng túng, phức tạp, chưa được xử lý triệt để.
Liên quan tới tình trạng trên, mới đây, cử tri tỉnh Gia Lai đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, với nội dung: “Đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt giải quyết các dự án quy hoạch treo làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại đến quyền và lợi ích người dân và Nhà nước, gây bức xúc xã hội; xử lý nghiêm các dự án bất động sản ma, các dự án bất động sản lừa đảo, chây ì… đã và đang gây bức xúc, bất bình xã hội, gây mất trật tự ở nhiều tỉnh.”
Trả lời kiến nghị cử tri về nội dung nêu trên, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, hệ thống pháp luật hiện hành (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) đã có các quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng, điều chỉnh mọi lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, từ trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, điều kiện của bất động sản được đưa vào kinh doanh và trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án đối với các dự án bất động sản đến quy định về việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Dự án “ma” Hồ Tràm Riverside tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từng bị chính quyền địa phương khẳng định đây không phải là dự án.
Bên cạnh đó, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự cũng đã có các quy định để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, trên thực tế tại một số địa phương, trong một số thời điểm vẫn xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, lập nên các dự án không có thực, các dự án chưa đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh (dự án ma) để lừa đảo người dân, đã và đang gây bức xúc, bất bình xã hội, gây mất trật tự ở nhiều tỉnh, thành phố như cử tri phản ánh.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do: Thông tin về quy hoạch, dự án... chưa được kịp thời, công khai, minh bạch dẫn đến một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để quảng bá, cung cấp thông tin sai sự thật nhằm trục lợi; Do hành vi vi phạm chưa được kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh; Việc xử lý và công khai việc xử lý hành vi vi phạm để cảnh tỉnh, răn đe và cho người dân biết, hiểu chưa kịp thời...
Xử lý nghiêm các dự án “ma” lừa đảo
Về phía Bộ Xây dựng, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Trong đó, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản; kiểm tra, rà soát và công khai danh sách các dự án bất động sản chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, không thực hiện bảo lãnh ngân hàng, các dự án có vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh…
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc các địa phương tăng cường việc công khai thông tin, kịp thời nắm bắt và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Khách hàng kéo đến trụ sở Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Địa ốc Ba Thành Phát (Bình Dương) căng băng rôn đòi lại tiền và cầu cứu chính quyền khi mua phải dự án ma do công ty này bán.
Trong thời gian tới, Bộ xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao như: tăng cường công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, dự án... trên địa bàn, không để đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, trục lợi.
Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm có thể xảy ra và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản để trình Chính phủ ban hành nhằm cung cấp thông tin công khai, minh bạch để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hạn chế tối đa các trường hợp cố tình vi phạm, lừa đảo, chây ì…
Cẩn trọng khi xuống tiền
Trước tình trạng dự án “ma” nở rộ thời gian gần đây tại Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu…, nhiều chuyên gia khuyến cáo người dân cẩn trọng khi giao dịch bất động sản, cần tìm hiểu kỹ quy hoạch và pháp lý trước khi xuống tiền.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, tình trạng dự án ma không phải gần đây mới xảy ra. Đây là bài học chúng ta đã nhìn thấy trong cơn sốt đất.
Theo ông Hà, thực tế trong quy định pháp luật như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai đã có những quy định rất rõ ràng việc việc dự án nào được chuyển nhượng đất đai, được bán nhà hình thành trong tương lai có những quy định rất cụ thể. Đơn cử, với đất nền muốn chuyển nhượng phải có quyền sử dụng đất, phải có giải phóng mặt bằng, đầu tư một phần hạ tầng theo đúng tiến độ dự án thì mới được chuyển nhượng.
Chính xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cảnh báo về “dự án ma” trên địa bàn.
Quy định pháp luật đã rất rõ, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn vấp phải các trường hợp là đầu tư tại các dự án chưa đủ pháp lý hay thậm chí là các dự án không có thật được các đối tượng lừa đảo vẽ ra.
“Đối với nhà đầu tư, không ai cấm việc đầu tư nhưng phải chắc chắn, theo đúng quy định nhà nước, tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, không theo đám đông, không theo ‘cò’ dẫn đến mất tiền. Vì nếu đưa ra toà thì người bán đất đã mất khả năng thanh toán”, ông Hà nói.
Còn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, các dự án “ma” tập trung nhiều tại vùng ven TP.HCM và một số tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… vì nhu cầu đất nền tại khu vực này rất lớn.
Để ngăn chặn dự án “ma”, theo ông Lê Hoàng Châu, trước tiên là chính quyền các phường, xã, quận, huyện… cần thiết lập một hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch dễ tiếp cận, dễ hiểu cho người dân. Tiếp đến là các phương tiện thông tin đại chúng cần truyền thông kịp thời khi phát hiện những dự án sai phạm để cảnh báo người dân.
Một biện pháp mạnh đang được một số chính quyền địa phương áp dụng là cưỡng chế hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm của những cá nhân cố tình thực hiện những hành vi có tính chất lừa dối khách hàng.
“Người dân cần phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ pháp lý về dự án cũng như doanh nghiệp rao bán bất động sản. Trường hợp đã phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân phải trình báo cơ quan chức năng sớm nhất hoặc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Châu nhấn mạnh.