Sáng 18/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự hội nghị.
Không bước ra thế giới, không cạnh tranh không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2022, Bộ TTTT được Chính phủ giao thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số, kinh tế số hay công nghiệp công nghệ số.
Đây cũng là năm Bộ TTTT tập trung xây dựng nhiều Chiến lược quốc gia cho từng lĩnh vực, trong đó nhiều chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, một số chiến lược đang trong giai đoạn hoàn thiện, bao gồm: Bưu chính, Hạ tầng số, Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, Công nghiệp công nghiệp số và Chuyển đổi số báo chí,…
Ông Hùng nhấn mạnh, năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số. Chuyển đổi số số đá trở thành toàn dân và toàn diện; tất cả các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành Chương trình chuyển đổi số; 500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam là con số lớn chưa từng có. Các giao dịch về kết nối chia sẻ dữ liệu đang tăng dần; các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn bản đã được thành lập và đi vào hoạt động.
Trong năm, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tấn công mạnh mẽ vào thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, làm chuyển đổi số cho các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản… Doanh thu của Viettel ở thị trường nước ngoài về viễn thông đã đạt 3 tỷ USD, của FPT về công nghệ thông tin và chuyển đổi số đạt 1 tỷ USD…
"Không bước ra thế giới, không cạnh tranh, chinh phục và có doanh thu từ thị trường nước ngoài, Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Hạn chế việc chiến lược làm ra sẽ chỉ "nằm trong ngăn kéo"
Theo Bộ trưởng Bộ TTTT, tháng 11/2022 lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc về truyền thông chính sách nhằm nhấn mạnh vai trò của lĩnh vực này, đa dạng hóa các phương tiện và nhất là thay đổi nhận thức về truyền thông. Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp truyền thông cũng là chức năng của chính quyền các cấp, cần tổ chức bộ máy và có ngân sách dành riêng.
Năm 2022, cũng là năm Việt Nam ban hành các Nghị định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Với chủ trương "các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi kinh doanh tại Việt Nam đều được quản lý giống nhau", chúng ta đã loại bỏ tình trạng "bảo hộ ngược" là quản lý chặt doanh nghiệp trong nước nhưng buông lỏng doanh nghiệp nước ngoài.
Đáng chú ý, người đứng đầu ngành TTTT cho biết, năm 2022 cũng là lần đầu tiên cán bộ, nhân viên mới và Bộ TTTT đã thực hiện "sau một năm nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì chủ động xin từ chức, nhường chỗ cho người khác".
Nhắc đến năm 2023, Bộ trưởng Bộ TTTT nhấn mạnh đây sẽ là năm về dữ liệu, tập trung công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu các Bộ, ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối chia sẻ và an toàn dữ liệu. Bộ TTTT sẽ triển khai các công tác để tạo ra sự thay đổi cơ bản về dữ liệu Việt Nam. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu chính là thay đổi căn bản của chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung triển khai các chiến lược được ban hành, ban hành các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược,… hạn chế việc chiến lược làm ra sẽ chỉ "nằm trong ngăn kéo".
Hãy thổi khát vọng hóa rồng, hóa hổ vào mỗi con người Việt Nam
Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Trong năm 2023, Bộ TTTT sẽ tập trung vào các kết quả thực chất. Về Bưu chính sẽ đo lường và kiểm soát chất lượng dịch vụ. Về Viễn thông, sẽ giải quyết triệt để sim rác và thương mại hóa 5G. Về dịch vụ công trực tuyến sẽ nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự được xử lý trực tuyến.
Về chuyển đổi số, nâng số lượng tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam lên ít nhất 50%. Về công nghiệp công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo ra sự cộng hưởng trong nước và lan ra nước ngoài.
Về báo chí xuất bản và truyền thông là sự tuân thủ luật pháp Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, giải quyết các vấn đề tư nhân hóa báo chí hay báo hóa trang tin, mạng xã hội.
Năm 2023, sau ba năm Covid-19, Bộ TTTT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài để mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi "mở cõi".
"Ngành viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số của chúng ta có nhiều câu chuyện để kể với thế giới. Chúng ta chỉ xuất sắc khi có đối thủ xuất sắc", ông Hùng nói và đề nghị báo chí, xuất bản và truyền thông, "hãy thổi khát vọng hóa rồng, hóa hổ vào mỗi con người Việt Nam".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, 10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số và nhất là từ gia công phần mềm sang "make in Việt Nam", từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính…
Ông khẳng định, ngành TTTT luôn tạo ra những thách thức mới cho chính mình để từ đó vươn lên,và cũng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó. Nhiệm vụ khó khăn, thách thức lớn luôn tạo ra sự phát triển mới. "Ngành TTTT với tinh thần chiến binh, xin nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Báo cáo tổng kết công tác TTTT năm 2022, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long nhấn mạnh, năm 2022, ngành TTTT tiếp tục nỗ lực phấn đấu và đã đạt thêm nhiều kết quả quan trọng.
Công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành TTTT chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện với mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ.
Công tác báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Truyền thông, báo chí đã góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển.
Năm 2022, doanh thu toàn ngành TTTT ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982,30 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021. Tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành TTTT (tính theo doanh thu) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất 6,7% so với năm 2021.