Sáng 12/11, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, với sự đăng đàn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Các câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội gồm: Làm rõ giải pháp xử lý tình trạng quảng cáo không đúng sự thật trên không gian mạng; Khi nào thực hiện chiến lược sinh thái số, mạng xã hội Việt Nam?; Có cần hợp tác giữa báo chí và các nhà mạng xã hội trong quan hệ kinh tế, quảng cáo?; Giải pháp để các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của người dân; Giải pháp để báo chí phát triển bền vững?; Giải pháp nâng cao vị thế báo chí Việt Nam trên quốc tế? Giải pháp đồng bộ trong xây dựng hạ tầng viễn thông? Giải pháp để báo chí phát huy hiệu quả là kênh lan toả giá trị nhân ái? Giải pháp hoàn thành nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa?....
Người dùng trên không gian mạng chán nản với những thông tin tiêu cực và quay trở lại với những thông tin tích cực nhiều hơn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời cụ thể như sau: Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hải Anh, Bộ trưởng cho biết, có tình trạng doanh nghiệp sử dụng phương thức hỗ trợ truyền thông tác động vào cơ quan báo chí để thông tin theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phát hiện, rà soát, đánh giá, xử lý đồng thời cũng ban hành các quy định về bảo hộ truyền thông giữa doanh nghiệp và cơ quan báo chí để thực hiện đúng, tránh lợi dụng thông tin.
Để lan tỏa tấm gương, các thông tin tốt, để lan tỏa năng lượng tích cực, Bộ trưởng khẳng định: Thở bằng không khí, mà không khí ô nhiễm thì ảnh hưởng đến phổi, nhưng não chúng ta thì có loại không khí chính là tin tức và tin tức ô nhiễm thì não bị ô nhiễm. Bộ trưởng cho biết, có thuận lợi là các loại báo chí có trên không gian mạng, chúng ta có rất nhiều công nghệ mới có thể rà quét.
Bộ cũng có tiêu chuẩn, tiêu chí để xác định tiêu cực, tích cực, trong đó thông tin trên báo chí tích cực trên 60%, thông tin trung tính 25%, thông tin tiêu cực khoảng 15% và đang cố gắng hạ thấp xuống bằng đánh đánh giá hàng ngày đối với các cơ quan báo chí. Ngoài ra, có thuận lợi là người dùng trên không gian mạng chán nản với những thông tin tiêu cực và quay trở lại với những thông tin tích cực nhiều hơn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, “cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là sự di chuyển từ thế giới thực sang thế giới số”. Vấn đề đặt ra là có nên dạy kĩ năng số, kiến thức về kinh tế số, xã hội số vào chương trình giáo dục phổ thông hay không? Công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin và có tính cách mạng, tạo ra cuộc cách mạng về chuyển đổi số.
Vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nâng cấp dạy môn tin học và đưa vào kĩ năng số, có thể tăng thời lượng cho môn học này.
Có tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh"
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi năm có 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt, tuy nhiên so với 21 nghìn người làm báo có thẻ phóng viên và gần 45 nghìn người làm báo, Bộ trưởng cho rằng, đây là những “con sâu làm rầu nồi canh”, 80% trong số người bị bắt này thuộc các tạp chí nhỏ, tạp chí thuộc các Bộ, xã hội nghề nghiệp, những nơi mà cơ quan chủ quản, Tổng biên tập có sự buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí và phóng viên của mình.
Vừa qua Bộ Thông tin và Truyền (TT & TT) đã có quy định mới, trong đó sẽ xử lý trực tiếp Tổng biên tập và phóng viên nếu có vi phạm. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các ĐBQH quan tâm đến việc sửa đổi Luật Báo chí trong thời gian tới, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng phóng viên báo chí.
Giải pháp ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan trên không gian mạng
Trả lời câu hỏi của đại biểu Châu Quỳnh Dao, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang về giải pháp ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc để xác định hành vi và chúng ta đã có quy định để xử lý mê tín dị đoan.
Ngoài quy chế phối hợp, về tiêu chí xác định mê tín dị đoan bằng hình ảnh, công cụ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Bộ TT&TT đang phát triển công cụ, phần mềm để rà quét, nhìn vào hình ảnh có thể xác định được hành vi, xem hoạt động có phải mê tín dị đoan hay không để báo sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý.
Nếu các tiêu chí về mê tín dị đoan được xác định rõ, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phát triển công cụ để tự rà soát và đây là một bước tiến mới, phải lành mạnh hóa không gian mạng và xử lý mạnh tay với các đối tượng mê tín dị đoan gồm cả xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Đề cập về vấn đề lõm sóng của đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đồng tình với quan điểm của đại biểu. Vấn đề phủ sóng tức là phải sử dụng được mạng Internet, sử dụng được dịch vụ công trực tuyến, học tập, làm việc và mua bán trực tuyến… Bộ trưởng cũng chỉ rõ thực tế bà con vùng sâu vùng xa ít kiến thức và chưa làm quen với không gian mạng…
Đề xuất một số giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, đầu tiên là chủ động ngăn chặn, kiểm soát toàn bộ không gian mạng; thứ hai là đào tạo, tuyên truyền cho bà con, nâng cao sức đề kháng, đào tạo kĩ năng số, đặc biệt là chương trình đào tạo trực tuyến bằng tiếng dân tộc. Hiện nay chúng ta có 220 nghìn cộng tác viên có thể đền từng nhà để tuyên truyền cho bà con. Năm nay lần đầu tiên, Bộ TT&TT tổ chức đại hội của những người làm công tác thông tin ở cơ sở.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Đồng Ngọc Ba, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định về chất lượng thể chế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận trách nhiệm về chậm trễ trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần sử dụng công nghệ để hỗ trợ, xây dựng cơ sở dữ liệu về thể chế. “Hiện Bộ TT&TT đang phát triển trợ lý ảo để khi ban hành Nghị định mới thì có thể hỏi trợ lý ảo về các pháp luật liên quan đề cập nội dung liên quan, xem có mâu thuẫn, chồng chéo hay không, dự kiến hết năm nay có thể đưa vào sử dụng rộng rãi và hiện đang áp dụng ở Bộ TT&TT và Bộ Tư pháp”, Bộ trưởng nêu rõ.
Tranh luận
Đối với tranh luận của đại biểu Phạm Văn Hòa về hình ảnh phản cảm, Bộ trưởng cho biết, hiện nay có công cụ giám sát và chúng ta có quyền lực đối với các nền tảng xuyên biên giới để ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật. Nhưng định nghĩa thế nào là nhạy cảm cũng khó khăn, do vậy, các cơ quan liên quan, bộ, ngành phải định nghĩa trong ngành của mình như thế nào là nhạy cảm, vì mỗi ngành, mỗi nghề có mức độ nhạy cảm riêng, không chỉ riêng ngành văn hóa.
Sau khi định nghĩa được mới có công cụ rà soát, phát hiện và hạ xuống. Bộ Thông tin và Thông tin sẽ phối hợp với các bộ, ngành tường minh hóa các định nghĩa này để làm cơ sở rà quét, làm cơ sở yêu cầu các nhà cung cấp mạng hạ thông tin xấu độc, phản cảm…
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Yến về hợp tác quốc tế báo chí, Bộ trưởng nêu rõ, không nhiều quốc gia quản lý báo chí, hiện có hợp tác quốc tế với các nước có quản lý báo chí. Chúng ta cũng có chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia không có luật về báo chí, nhưng ở các quốc gia này có quy định ở mức dưới luật liên quan đến hoạt động báo chí. Bộ trưởng khẳng định, luôn coi trọng thông tin truyền thông, trong rất nhiều chính sách mà Bộ Thông tin và truyền thông đề xuất đều có tham vấn trong kinh nghiệm quốc tế.
PV (lược ghi)