bo-thue-tieu-thu-dac-biet-1648514138.jpg

Ngoài thuế bảo vệ môi trường sau khi được giảm xuống còn 2.000 đồng/lít, giá xăng tại VN còn chịu thuế nhập khẩu từ 0 - 8%, thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10%.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật ANVI, giá xăng dầu hiện nay cõng thuế, phí lên gần 40% là quá cao, cần điều chỉnh mức chi phối của thuế phí xuống một nửa so với hiện nay. Ông đặt vấn đề: Không hiểu vì sao mà nói xăng dầu không phải mặt hàng thiết yếu rồi lại đi tính thuế TTĐB? Bởi sắc thuế này chỉ đánh vào những hàng hóa xa xỉ hay không khuyến khích tiêu dùng như bia, rượu…

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng nhấn mạnh xăng là hàng hóa thiết yếu bởi dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Xăng dầu đều đi vào từng ngóc ngách của đời sống kinh tế xã hội. Về nguyên tắc, đối với xăng dầu đã có thuế nhập khẩu, thuế GTGT, tại sao lại có thêm thuế TTĐB trong khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không chỉ cho người tiêu dùng mà thiết yếu với cả sản xuất?

Theo tính toán của ông Bùi Trinh, xăng dầu chiếm khoảng 5,8% trong giá trị sản xuất và chiếm 8,2% trong chi phí trung gian của nền kinh tế; riêng đối với nhóm ngành vận tải, xăng dầu chiếm 56,1% trong giá trị sản xuất và chiếm khoảng 71% trong tổng chi phí trung gian. Nếu sau khi thuế bảo vệ môi trường được giảm, thì giá xăng dầu cũng còn tăng so với bình quân năm 2021 khoảng 41%, từ đó tác động làm giảm GDP ở chu kỳ sản xuất tiếp theo khoảng 7,3%. Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm đạt 323.800 tỉ đồng, bằng 22,9% dự toán năm và vẫn tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó có thể thấy thu ngân sách đang đạt kết quả tốt.

Đó là chưa kể mức thuế TTĐB thu được từ xăng cũng tăng mạnh. Nếu như giá xăng trước đây là 15.000 đồng/lít, số thuế thu được là 1.500 đồng/lít thì số thuế TTĐB nay đã tăng cao gần như gấp đôi khi xăng chạm mức 30.000 đồng/lít. Vì vậy TS Bùi Trinh nhấn mạnh, cần phải bỏ thuế TTĐB đối với xăng và tiếp tục bỏ luôn thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm này vì không có tác dụng gì trong việc bảo vệ môi trường như tên gọi của sắc thuế.

Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm 2% cho nhiều loại hàng hóa đang chịu thuế GTGT 10% kể từ đầu tháng 2 nhằm góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội. Thế nhưng, xăng dầu lại bị “loại” ra khỏi danh sách các mặt hàng được giảm thuế GTGT trong năm nay.

Luật sư Trương Thanh Đức phân tích xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu nên cũng cần được đưa vào danh sách được giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% như các sản phẩm khác. Thậm chí, trong bối cảnh để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển sau đại dịch thì xem xét giảm nhiều hơn, đưa chính sách thuế GTGT của xăng dầu xuống còn 5%. “Giá xăng đầu cần giảm xuống nhiều hơn nữa vì dù sao đây cũng là chi phí doanh nghiệp, chi phí cao thì thu nhập lại giảm đi làm cho phần thuế thu nhập cũng giảm. Việc giảm thuế phí đối với xăng dầu không mất đi đâu mà sợ ngân sách giảm”, luật sư Trương Thanh Đức nói thêm.

T.Xuân,M.Phương

Thanh Niên