Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư; ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của chính doanh nghiệp để thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu, đảm bảo giữ uy tín của doanh nghiệp với nhà đầu tư và trên thị trường.
Trường hợp doanh nghiệp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, Bộ Tài chính yêu cầu phải chủ động có kế hoạch làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; không gây mất trật tự xã hội. Các hành vi vi phạm tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều biến động; thị trường xuất hiện nhiều thông tin không chính thống về các doanh nghiệp phát hành mà không xuất phát từ chính doanh nghiệp. Bộ Công an đã xử lý các trường hợp vi phạm trong việc thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Về phía doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp chủ động, kịp thời cung cấp thông tin để nhà đầu tư có thông tin chính thống về hoạt động của doanh nghiệp. Bộ Tài chính cho rằng cần xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp và công bố kết quả cho các nhà đầu tư để hiểu tình hình của doanh nghiệp.
Trước đó, tại cuộc họp với 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ nay đến cuối năm thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải đáo hạn hơn 53 nghìn tỷ đồng; trong đó, bất động sản chiếm 39%, doanh nghiệp sản xuất khác 19%... Sang năm 2023 số lượng trái phiếu doanh nghiệp phải đáo hạn là 284 nghìn tỷ đồng, năm 2024 đáo hạn 363 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc một số doanh nghiệp có sai phạm và bị xử lý, cùng với các tin đồn đã dẫn đến tâm lý các nhà đầu tư rút tiền dẫn đến thanh khoản khó khăn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn quan trọng đối với doanh nghiệp, “chia sẻ” rất hiệu quả gánh nặng cho kênh tín dụng ngân hàng và hiện vẫn khá tiềm năng.
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng giảm dần qua các quý của năm 2022. Cụ thể, quý I đạt 134,8 ngàn tỉ đồng, quý II là 122,4 ngàn tỉ đồng, quý III là 65,9 ngàn tỉ đồng và tháng 10-2022 đạt 5,8 ngàn tỉ đồng.
Nguyên nhân do sau vụ việc sai phạm của Tân Hoàng Minh và Công ty An Đông, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn.
Bên cạnh đó, những tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư đối với thị trường ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại trái phiếu doanh nghiệp để chuyển sang gửi tiết kiệm.
Bộ Tài chính cho biết trước các vi phạm của doanh nghiệp phát hành thời gian qua, trên thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ.
Báo cáo của FiinRatings mới công bố cho thấy, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng đầu năm giảm mạnh, chỉ đạt hơn 246,3 nghìn tỷ đồng, giảm sâu khoảng 64% so với cuối năm 2021.
Trong đó, có 236,8 nghìn tỷ đồng phát hành riêng lẻ và gần 9,53 nghìn tỷ đồng qua kênh chào bán ra công chúng, chiếm tỷ trọng khiêm tốn 4%. Kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng ghi nhận 21 đợt chào bán, sụt giảm mạnh so với con số của năm 2021 là 40 đợt.