Huy động trăm nghìn tỷ từ trái phiếu

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Chính phủ liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ TPDN nhiều nhất trong năm 2021 với tổng số tiền lên đến hơn 100.000 tỷ đồng, lãi vay TPDN của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm.

null
Hàng chục doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng số nợ vay hơn 100.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về nợ vay TPDN trong năm vừa qua, có nhiều "ông lớn" như: Công ty CP đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty CP Osaka Garden, Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas.... Nhóm 5 doanh nghiệp này trong năm 2021 đã huy động gần 7.000 tỉ đồng nợ vay TPDN để làm dự án bất động sản.

Tiếp theo là các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn khác như: Công ty CP đầu tư Golden Hill (gần 5.800 tỷ đồng), Công ty CP đầu tư Tân Thành Long An (5.000 tỷ đồng), Công ty CP thương mại - quảng cáo - xây dựng - địa ốc Việt Hân (4.000 tỷ đồng); Công ty cổ phần Hoàng Phú Vương; Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đô thị Minh Tân; Công ty TNHH đầu tư Big Gain; Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng; Công ty cổ phần Tập đoàn R&H; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Residence...


Doanh nghiệp phát hành TPDN vay vốn ít nhất trong nhóm 20 doanh nghiệp là Công ty CP vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang, huy động khoảng 2.736 tỷ đồng, với lãi suất 10%/năm, trong khi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ khoảng 639 tỷ đồng.

Phát hành TPDN để chuyển vốn “lòng vòng”

Tại báo cáo, Bộ Tài chính cho biết, để chào mời TPDN riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, nhiều công ty chứng khoán đã “lách luật” để “hô biến” nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hợp đồng mua kỳ hạn trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian 2-4 ngày. Tư vấn cho nhà đầu tư cá nhân không trực tiếp đứng tên mua TPDN riêng lẻ mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đứng ra mua hộ.

Trong số 358 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ trong năm 2021, có tới 57 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 doanh nghiệp có nợ vay lớn hơn 10 lần vốn chủ sở hữu, và 10 doanh nghiệp có nợ vay lớn hơn 5 lần vốn chủ sở hữu.

Có tình trạng doanh nghiệp này phát hành TPDN để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, lấy tiền cho doanh nghiệp khác vay, hoặc phát hành TPDN để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của các ngân hàng với một khách hàng, nhóm khách hàng.

Một số doanh nghiệp như Công ty CP tập đoàn APEC Group, Công ty CP tập đoàn Vset Group chào bán công khai do chính doanh nghiệp phát hành. Hoặc giao cho doanh nghiệp có liên quan chào bán TPDN như trường hợp Công ty TNHH Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung điện mùa đông phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Nhiều công ty chứng khoán khi chào bán TPDN không cung cấp đủ, chính xác thông tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư.

Do đó, để chấn chỉnh thị trường TPDN, trong năm 2021, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã hủy 9 đợt phát hành TPDN của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Đồng thời, cơ quan này đã tổ chức kiểm tra 9 công ty chứng khoán, 2 doanh nghiệp bất động sản. Qua đó, ban hành 3 quyết định xử phạt hành chính với Công ty CP Tập đoàn Vset Group, Công ty CP Tập đoàn APEC Group, mỗi doanh nghiệp bị phạt 600 triệu đồng về hành vi bán TPDN ra công chứng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với ủy ban. Và phạt Công ty CP Chứng khoán quốc tế Việt Nam 250 triệu đồng về hành vi chào bán, chuyển nhượng TPDN nhưng chưa được cấp phép. Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ sai phạm của Công ty CP Vset Group.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra với tổ chức tư vấn, phát hành, đại lý phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ cho đợt chào bán TPDN của 3 doanh nghiệp này.