Bộ Công Thương toàn quyền quản lý xăng dầu: "Đũa thần" giải bài toán "hết xăng - còn dầu"?

Sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị giao Bộ Công Thương quản lý toàn diện về xăng dầu, giới chuyên gia, doanh nghiệp đều tán thành. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là giải bài toán lớn về tình trạng "hết xăng, còn dầu" đang gia tăng hiện nay.

Bộ Công Thương quản toàn bộ xăng dầu

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giao cho Bộ Công Thương quản lý toàn diện là giao quyền và gắn trách nhiệm. Để xảy ra sai phạm hoặc vấn đề gì, có thể chỉ đích danh Bộ Công Thương và từ đây cũng nêu được các hình thức xử phạt, không kiểu trách nhiệm liên đới.

Như Dân Việt đưa tin, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 29/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề nghị sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trong đó "giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương quản lý" gồm quyết định về giá và chi phí định mức, nhằm đảm bảo nguồn cung chủ động.

null
Tình trạng đại lý hết xăng, còn dầu phổ biến hiện nay, gây nhức nhối quản lý xăng dầu. (Ảnh Khải Phạm)

Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra ngày 29/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, với tinh thần chung là quy về một đầu mối quản lý phù hợp tình hình. Như vậy, nhiều khả năng, việc Bộ Công Thương quản lý toàn diện từ giá, vận hành và cơ chế liên quan đến mặt hàng xăng dầu sẽ sớm được thực hiện.

Trả lời PV Dân Việt, ông Giang Chấn Tây, Chủ Công ty TNHH Bội Ngọc, đơn vị kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh cho rằng: Việc đưa về một đầu mối là Bộ Công Thương quản lý xăng dầu sẽ giúp không chồng chéo quản lý. Tuy nhiên, mọi việc cần làm nhanh để tránh độ trễ chính sách bởi sửa đổi Nghị định 95 cần khá nhiều thời gian. Trong lúc chờ vẫn phải thực hiện chính sách hiện hành.

"Bộ Công Thương có đủ năng lực để quản lý từ chính sách đến thực tiễn và giá cả xăng dầu. Thách thức lớn nhất là nếu Bộ Công Thương quản lý thì có xử lý được vấn đề khan hiếm cục bộ xăng dầu hiện nay hay không. Bản chất vẫn là do giá tính đúng, tính đủ, nếu lắng nghe doanh nghiệp, có chính sách phù hợp, chắc chắc thị trường sẽ vận động đúng theo quy luật của nó. Tôi cho rằng, việc quản lý được xăng dầu, ngăn chặn tình trạng hết xăng dầu cục bộ là thách thức của Bộ Công Thương khi tiếp quản toàn diện quản lý nhà nước về xăng dầu", ông Giang Chấn Tây nói.

Theo ông Tây, thực tiễn thời gian qua, về quản lý xăng dầu Bộ Tài chính đứng ra quản lý về giá, cách tính các loại giá cả, Bộ Công Thương quản lý về nguồn cung, thị trường, quản lý hoạt động. Nhưng vấn đề thiếu xăng, thị trường rối loạn nằm ở việc quản lý giá mà Bộ Tài chính chậm sửa đổi, thích ứng.

"Không nói ra nhưng ai cũng biết Bộ Tài chính và Bộ Công Thương lời qua tiếng lại với nhau, khiến thị trường xăng dầu không thể quản lý được", ông Tây nói.

Chủ Công ty TNHH Bội Ngọc cho rằng: Khả năng phối hợp và tiếng nói chung giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chưa hiệu quả, dẫn đến năng lực điều hành thị trường xăng dầu kém. Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính về việc giao toàn diện lĩnh vực quản lý nhà nước về xăng dầu cho Bộ Công Thương theo tiêu chí: Trao quyền, gắn trách nhiệm.


"Giao toàn diện xăng dầu cho Bộ Công Thương quản lý thì Bộ này sẽ phải chịu trách nhiệm chung, cùng với giá và nguồn cung. Chịu trách nhiệm, không chịu ràng buộc từ các Bộ ngành khác, không phân tâm xin cơ chế, chính sách và ý kiến của các cơ quan khác để đưa ra các quyết định về nguồn cung, nhập thế nào, dự trữ bao nhiêu, phân giao đầu mối ra sao... Tất cả đều nằm trong tay quản lý của Bộ Công Thương", đại diện doanh nghiệp nêu.

Theo ông Tây: "Doanh nghiệp xăng dầu cũng như người làm quản lý tại Bộ Công Thương nắm rất rõ về chi phí phát sinh, các chi phí ảnh hưởng đến cấu thành giá xăng dầu. Chính vì vậy, việc quản lý và chịu trách nhiệm sẽ không 'đổ lỗi' cho ai khác được".

Cũng trao đổi với PV Dân Việt, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng: "Đứng ở góc độ người quan sát độc lập, nếu hệ thống chính sách, cơ chế quản lý hiệu quả thì một Bộ quản lý sẽ thuận tiện hơn cho doanh nghiệp thay vì nhiều cơ quan làm đầu mối.

Hiện nay, Bộ Công Thương quản lý doanh nghiệp sản xuất xăng dầu, đến hoạt động phân phối nhập khẩu về nước. Việc tự tách quản lý giá, các phương pháp tính giá khỏi quản lý của Bộ Công Thương khiến mọi hoạt động trở nên khập khiễng, Bộ này khó có thể quản lý được nếu như không được quyết định các chi phí phát sinh, chi phí liên quan đến doanh nghiệp xăng dầu.

Trả lời PV Dân Việt, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng: Muốn hợp thức hoá việc quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương, cần sửa đổi Nghị định 95 và việc này nên làm sớm. Ông Bảo cho rằng, hiện nay để Bộ Công Thương quản lý mọi mặt từ chính sách đến hệ thống vận hành xăng dầu sẽ giúp hạn chế việc chờ đợi chính sách vừa giúp khơi thông được các đầu mối công việc.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): Việc giao Bộ Công Thương quản lý sản xuất kinh doanh xăng dầu xong lại tách quản lý về cơ chế giá để Bộ Tài chính quản lý là không hợp lý, dẫn đến một số vướng mắc nảy sinh.