Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014. Theo dự thảo này, bộ Công Thương xây dựng để đưa ra lấy ý kiến, sẽ có 2 phương án được đề xuất.
Với Phương án 1: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt sẽ chỉ có 5 bậc. Bậc 1 áp dụng cho kWh từ 0 – 100 (gộp bậc 1 và 2 trong biểu 6 bậc và tăng từ 0-100kW) và tính bằng 90% mức giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 2 áp dụng cho kWh từ 101 – 200 và tính bằng 108% mức giá bán lẻ điện bậc 3.
Đáng chú ý, bậc 3 của biểu giá được điều chỉnh tăng thêm 100 số điện, áp dụng cho kWh từ 201 – 400 với mức tính 141% biểu giá bình quân. Từ bậc 4, áp dụng cho kWh từ 401- 700, giá điện sẽ tính tăng mạnh và tính bằng 160% mức giá bán lẻ điện bình quân. Khách hàng dùng từ 701 kWh/tháng trở lên sẽ chịu tiền điện tính bằng 168% mức giá điện bình quân (khoảng 3.132,2 đồng/kWh, chưa bao gồm VAT).
Với Phương án 2, khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm tính từ thời điểm bắt đầu thay đổi (12 kỳ hóa đơn thanh toán).
Theo đó, dự thảo đưa ra 2 lựa chọn bổ sung là phương án 2A và 2B áp dụng cho khách hàng chọn sử dụng điện theo biểu giá một bậc duy nhất. Cụ thể, với phương án 2A, các bậc thang bán lẻ điện từ bậc 1 đến 4 được tính như phương án 1. Riêng khách hàng dùng điện từ bậc 5, từ 701 kWh trở lên, sẽ chịu mức giá điện bình quân lên tới 274% (tương ứng mức giá 5.108,5 đồng/kWh).
Với sử dụng điện một giá, phương án được đề xuất giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn là 145% mức giá bán lẻ điện bình quân, tương ứng 2.703,43 đồng/kWh- chưa bao gồm VAT nếu áp dụng theo mức giá bán lẻ điện ngày 20/3/2019 được Chính phủ phê duyệt.
Tỉ lệ giá bán lẻ so với mức giá bán lẻ điện bình quân ở phương án 2B dành cho khách hàng chọn hình thức điện một giá là 155% mức giá điện bình quân, tương ứng 2.889,88 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Để hỗ trợ các hộ nghèo, bộ Công Thương cũng đề xuất mức hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định (không thuộc diện hộ nghèo) có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác.
Đối với nhóm “khách hàng ngoài sinh hoạt”, dự thảo của bộ Công Thương cũng đưa ra hai phương án lựa chọn.
Cụ thể, phương án 1 bao gồm nhóm khách hàng sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh. Trong đó nhóm khách hàng lưu trú du lịch, doanh nghiệp dịch vụ logistics sẽ được gộp vào nhóm sản xuất với mức cao nhất là 246% giá bình quân bán lẻ điện.
Phương án 2 là gộp các nhóm sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 1 nhóm là khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt với mức tính giá cao nhất là 169% giá bình quân bán lẻ điện vào giờ cao điểm.
Bộ Công Thương sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các khách hàng sử dụng điện, các bộ ngành trong tháng 8 và sẽ hoàn chỉnh phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý 3/2020.