Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương vừa thống nhất chủ trương xây dựng đề án thành lập thành phố Tân Uyên và Bến Cát như báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Do đó, Thường trực giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Nếu đề án này đi vào thực tiễn, Bình Dương sẽ có 5 thành phố (TP), bao gồm 3 thành phố hiện hữu là TP Thủ Dầu Một (lên từ năm 2012), TP Dĩ An, TP Thuận An (lên từ năm 2020) và 2 TP trong tương lai là TP Bến Cát, TP Tân Uyên.

Thị xã Tân Uyên là một trong 9 đô thị thuộc hệ thống đô thị của tỉnh Bình Dương, có diện tích tự nhiên 19.175,72ha và 12 xã, phường có chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa – xã hội và an ninh quốc phòng, là đô thị dịch vụ thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng liên tỉnh.

Dân số của TX Tân Uyên là 295.309 người bao gồm khu vực nội thị 196.959 người và khu vực ngoại thị 98.350 người. Chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người tại TX Tân Uyên gấp 1,56 lần so với cả nước.

Ông Đoàn Hồng Tươi – Chủ tịch UBND TX Tân Uyên cho biết, đến thời điểm hiện tại, Tân Uyên đã đạt được các tiêu chí đô thị loại III. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX Tân Uyên đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu để đạt tiêu chí đô thị loại II và sớm được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương vào năm 2023.

"Đến năm 2023, Tân Uyên sẽ chuyển từ đơn vị hành chính cấp thị xã lên TP. Hiện nay chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II, xây dựng các công trình dân sinh như bến xe, nhà tang lễ, hệ thống xử lý nước thải đang được đầu tư. Nhà ở xã hội phấn đấu đến năm 2023 phải đạt được 26,5% mật độ xây dựng", ông Tươi cho biết.

null

Dự kiến đến năm 2023, Bến Cát và Tân Uyên sẽ được nâng cấp từ thị xã lên thành phố.

TX Bến Cát cách TP.HCM khoảng 50km, cách TP Thủ Dầu Một khoảng 20km, gắn kết với trục hành lang kinh tế động lực quốc lộ 13 là tuyến giao thông trọng điểm dài hơn 140km, nối TP.HCM, trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước với các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Bến Cát hiện nay là đô thị loại III, kết nối theo hướng Tây Bắc với huyện Dầu Tiếng và tỉnh Tây Ninh theo tỉnh lộ 744.

Bến Cát có diện tích đất tự nhiên 23.442,2ha, dân số 328.239 người, mức thu nhập bình quân đầu người của thị xã cao gấp 1,62 lần so với cả nước.

Tỉnh Bình Dương được thành lập từ năm 1997, sau khi tách tỉnh Sông Bé thành Bình Dương và Bình Phước. Sau 25 năm phát triển, Bình dương đã trở thành địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Hết năm 2020, Bình Dương tiếp tục giữ vị trí thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (3.908 dự án và 35,2 tỷ USD vốn đầu tư), sau TP.HCM (9.826 dự án và 47,9 tỷ USD) và Hà Nội (6.363 dự án và 35,9 tỷ USD).

Ngành công nghiệp của tỉnh có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, toàn tỉnh có hơn 30 khu, cụm công nghiệp với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, trong đó có những khu công nghiệp kiểu mẫu của cả nước.

Theo quy hoạch, Bình Dương có thể trở thành TP trực thuộc Trung ương.

Theo Văn Dũng