Biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán được áp dụng khi nào?

Hiện nay, sau trường hợp "bán chui" cổ phiếu của Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, nhiều nhà đầu tư băn khoăn về biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán được áp dụng khi nào?
phong-toa-tai-khoan-1641967699.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trước việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC bán cổ phiếu mà không báo cáo, không công bố thông tin theo quy định, nhiều ý kiến đặt ra về việc cơ quan chức năng cần phải phong tỏa tài khoản để điều tra làm rõ, đồng thời cũng giúp củng cố về niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, giúp thị trường phát triển ổn định, bền vững, công khai, minh bạch.

Liên quan đến việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, theo quy định của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán.

Theo khoản 4, Điều 306, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán được áp dụng trong các trường hợp sau:

Một là, khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để ban hành quyết định xử lý vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Hai là, khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang thực hiện vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán và biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, phong tỏa tài khoản tiền là cần thiết nhằm ngăn chặn tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện vi phạm hoặc khi cần ngăn chặn ngay hành vi tẩu tán tiền, chứng khoán có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Ba là, theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Về biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, theo quy định tại Điều 38, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, khi có căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 306 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán, nêu rõ các thông tin: căn cứ áp dụng; tên và địa chỉ đối tượng bị áp dụng; thông tin về các tài khoản chứng khoán bị phong tỏa; thời hạn áp dụng và thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa; các tổ chức, cá nhân phối hợp thực hiện và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân này; người chịu trách nhiệm theo dõi đôn đốc thi hành.

Trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày ban hành, quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán phải được gửi cho đối tượng bị áp dụng, công ty chứng khoán nơi có tài khoản bị phong tỏa, tổ chức, cá nhân liên quan, Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, công ty chứng khoán nơi có tài khoản bị phong tỏa phải thực hiện phong tỏa tài khoản giao dịch, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phải thực hiện phong tỏa chứng khoán trên tài khoản lưu ký chứng khoán liên quan đồng thời thông báo cho chủ tài khoản về việc này.

Trong thời gian qua, tình trạng giao dịch không báo cáo, không công bố thông tin theo quy định của pháp luật diễn ra khá phổ biến trên thị trường chứng khoán. Mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát và quyết liệt xử phạt theo quy định, song dường như vẫn chưa đủ sức "răn đe" các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tuấn Phùng