"Hô biến" tên bác sĩ người Việt thành nước ngoài!?

Quá trình phóng viên đến Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam (tại địa chỉ 190A-B, đường Trường Chinh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) với "nhu cầu" cần phẫu thuật thẩm mỹ làm đẹp vòng 1, thấy khách hàng tỏ vẻ lăn tăn, người phụ nữ tên Phạm Thị Kim Th. tự xưng là nhân viên tư vấn tại bệnh viện liên tục trấn an khách hàng rằng: “Bệnh viện thẩm mỹ này có liên kết với Hàn Quốc, nên chị yên tâm về chất lượng”.

Tại tầng 2 của bệnh viện, phóng viên được dẫn vào gặp một bác sĩ để thăm khám, trước khi sử dụng dịch vụ phẫu thuật nâng ngực. Quan sát nhanh, vị bác sĩ này không đeo biển tên. Sau một hồi thao thao bất tuyệt tư vấn cho khách hàng, bác sĩ này giới thiệu “Em yên tâm, bác sĩ bên anh đều học bên Hàn Quốc hết”. Người phụ nữ tên Th. còn cho biết thêm, nếu yêu cầu trước thì bác sĩ trưởng khoa (tên là bác sĩ viết tắt là G.H) sẽ thực hiện phẫu thuật cho khách.

Khi phóng viên thắc mắc và hỏi bác sĩ trưởng khoa là người nước ngoài hay không, vì tên gọi của bác sĩ có tên đệm tiếng nước ngoài, nữ nhân viên nhanh chóng đáp lại đây là bác sĩ người Việt. “Ở đây sẽ có tên biệt hiệu của bác sĩ”, nữ nhân viên Th. giải thích.

Xem thêm: TP.HCM: Hai bác sĩ Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam bị tước chứng chỉ hành nghề Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn có được phép phẫu thuật cấy mỡ ngực?

oan-clip-tren-mot-fanpage-the-hien-hinh-anh-bac-si-ten-nuoc-ngoai-drmin-hoo-mac-ao-co-logo-benh-vien-1690171004.jpg

Đoạn clip trên một fanpage thể hiện hình ảnh bác sĩ tên nước ngoài (Dr.Min hoo), mặc áo có logo bệnh viện. (Ảnh cắt từ Clip)

Đáng chú ý, trên mạng xã hội facebook, một fanpage mang tên “Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam” có thể hiện những hình ảnh, clip nói về các nhân viên, bác sĩ mặc đồng phục bệnh viện, được cho là đang quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam. Có clip thể hiện nhiều hình ảnh các bác sĩ với tên nước ngoài.

Đơn cử, trong một clip được đăng tải trên fanpage có hình ảnh một người đàn ông tự nhận là bác sĩ có tên Dr. Min hoo. Hình ảnh thể hiện bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân sau hai ngày phẫu thuật nâng ngực, xem có đủ điều kiện để ra viện hay không. Hình ảnh cả hai người (bác sĩ, bệnh nhân) đều có trang phục ghi dòng chữ “Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam”. Ngoài clip trên, hoàng loạt cái tên khác như Dr. Alex Hàn, Dr. Tony Pham… có hình ảnh của những người được cho là bác sĩ đang hành nghề tại bệnh viện.

benh-vien-tham-my-kangnam-1690171004.jpg

Nhiều thông tin trên fanpage “Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam” được quảng cáo là cung cấp dịch vụ thẩm mỹ “đẹp chuẩn Hàn”

Ngoài ra, nhiều thông tin trên mạng xã hội (fanpage có tên “Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam”) được quảng cáo là cung cấp dịch vụ thẩm mỹ “đẹp chuẩn Hàn”. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu đơn vị này có mối liên hệ như thế nào với Hàn Quốc và căn cứ nào để bệnh viện nhận là “đẹp chuẩn Hàn”, nếu đây đúng là những thông tin quảng cáo từ phía Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam?

“Làm gì có cái gì là chuẩn Hàn!”

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Quang Trung – Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, việc quảng cáo của bệnh viện phải được Bộ Y tế xác nhận nội dung quảng cáo.

Liên quan đến vấn đề nhiều thông tin quảng cáo trên fanpage “Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam về các dịch vụ thẩm mỹ “đẹp chuẩn Hàn”, ông Trung thốt lên: “Đến mình còn chẳng biết chuẩn Hàn là cái gì. Ở đây cấp phép theo chuẩn Việt Nam, theo Luật Khám, chữa bệnh. Làm gì có cái gì là chuẩn Hàn”.

Ông Trung khẳng định, về nguyên tắc, maket quảng cáo của các đơn vị được duyệt như thế nào thì chỉ được quảng cáo như vậy. Đối chiếu hồ sơ maket quảng cáo của Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam được cơ quan chức năng phê duyệt, không hề có từ “chuẩn Hàn”.

“Theo quy định, nếu thay đổi nội dung quảng cáo, bệnh viện phải xin phép thay đổi xác nhận nội dung quảng cáo”, ông Trung nói.

Trước những thông tin có thể gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng, như việc dùng từ “đẹp chuẩn Hàn”, hay những người được cho là bác sĩ người Việt tại bệnh viện nhưng lại dùng tên đệm nước ngoài, ông Trung cho hay: “Biển tên phải là tên đầy đủ tiếng Việt”. Ông Trung khẳng định: “Bệnh viện chỉ có một bác sĩ người nước ngoài có tên John G. Hwang, đăng ký khám chữa bệnh chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ ở bệnh viện. Bộ Y tế chịu trách nhiệm tính chính xác khi cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ này”.

Ông Trung cho rằng, nếu các bác sĩ đeo biển tên và bệnh viện quảng cáo không đúng quy định, thì đều có chế tài xử lý. “Khi thanh tra đi kiểm tra, xác nhận nội dung tại thời điểm đó vi phạm cái gì thì xử lý cái đó và có hình thức xử lý, biện pháp khắc phục”, ông Trung khẳng định.

benh-vien-tham-my-kangnam-1-1690171004.jpg Sở Y tế Hà Nội khẳng định, không có từ "đẹp chuẩn Hàn" trong giấy xác nhận nội dung quảng cáo của Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam

Với hàng loạt thông tin chưa rõ ràng về các bác sĩ đang hành nghề và nội dung quảng cáo được cho là của Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam, trả lời Báo Công Thương, bà Nguyễn Diệu Linh – Phụ trách truyền thông Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam cho biết: “Hiện tại, với bác sĩ Hàn Quốc thì bên mình đang theo dạng liên kết hợp tác và có ký kết văn bản với nhau. Có thể hiểu là chuyển giao công nghệ, liên kết chuyển giao kỹ thuật và đào tạo cho bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện”.

Về thông tin quảng cáo được cho là Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam cung cấp dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ “đẹp chuẩn Hàn”, bà Linh thừa nhận, hiện không có căn cứ pháp lý nào nói về tiêu chuẩn “chuẩn Hàn”. “Khi chuyển giao liên kết với nhau, thì phần lớn công nghệ đều được học hỏi từ nước bạn hết. Để nói chuẩn Hàn thì hơi ấy một chút…”, bà Linh bỏ dở câu nói.

Khi phóng viên đề cập rằng, việc quảng cáo “đẹp chuẩn Hàn” có thể gây hiểu lầm cho khách hàng. Bà Linh lý giải: “Hiện chưa có văn bản nào quy định là chuẩn Hàn, bên mình có yếu tố liên kết Hàn Quốc”.

Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp nội dung trong giấy xác nhận nội dung quảng cáo của Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam được phê duyệt, không có từ nào là “đẹp chuẩn Hàn”. Lúc này, bà Linh đáp lại: “Mình chưa xem, nên chưa rõ đâu. Đối với quy định, nếu nói chính xác có thể đó là một số lỗi của bên mình, do trong quá trình không kiểm duyệt nội dung”.

Liên quan đến việc các bác sĩ được cho là đang làm việc tại bệnh viện có tên nước ngoài và không có tên đầy đủ tiếng Việt, bà Linh lý giải: “Về pháp luật, không đeo biển tên là vi phạm rồi. Thực ra bên mình có bác sĩ dùng tên hơi cộng đồng một chút. Nhiều khi bên mình không kiểm tra phần đấy (biển tên) và không quan tâm quá tên gọi của bác sĩ”.

Trước câu trả lời của bà Linh, phóng viên hết sức bất ngờ bởi theo Luật Khám chữa bệnh, Nghị định liên quan đến lĩnh vực y tế đã quy định rất rõ về điều kiện khi bác sĩ hành nghề khám, chữa bệnh và quảng cáo trong lĩnh vực y tế.

Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế cần xử lý vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Bộ Công Thương đang triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ V đã bổ sung tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đồng thời quy định rõ hơn về Quyền của người tiêu dùng.

Theo đó, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

Được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Theo Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, có 14 hành vi bị cấm trong hoạt động khám chữa bệnh trong đó có: Hành nghề khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu.

... Quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; lợi dụng kiến thức y học cổ truyền hoặc kiến thức y khoa khác để quảng cáo gian dối về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh".

Với trường hợp trên, việc vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh rất rõ.

Đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), UBND TP. Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xác minh những thông tin phản ánh trên và có biện pháp chấn chỉnh nếu có vi phạm, trong quá trình cung cấp dịch vụ thẩm mỹ cho người tiêu dùng của Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam.