Bất động sản mới nhất: Hà Nội ‘siết’ tình trạng đầu cơ, diễn biến mới nhất vụ nợ 1.000 sổ đỏ, thủ tục chuyển đất thổ canh sang thổ cư

Rao bán “cắt lỗ” vẫn ế ẩm, Hà Nội kiểm soát chặt tình trạng đầu cơ, Quảng Nam kiến nghị thu hồi dự án của Bách Đạt An… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Hà Nội ‘siết’ tình trạng đầu cơ, diễn biến mới nhất vụ nợ 1.000 sổ đỏ, thủ tục chuyển đất thổ canh sang thổ cư
Từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản tại Thanh Hoá đang gặp nhiều khó khăn khi thanh khoản chậm. (Nguồn: BXD)

Hà Nội kiểm soát chặt tình trạng đầu cơ BĐS

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội", trong đó yêu cầu đảm bảo thị trường BĐS phát triển cân đối, kiểm soát chặt tình trạng đầu cơ.

Đánh giá khái quát tình hình phát triển của các ngành nghề trên địa bàn TP Hà Nội, đề án cho biết, trong lĩnh vực BĐS, đến năm 2020, khu vực đô thị có 22.934 cơ sở kinh doanh BĐS ngoài Nhà nước.

Các cơ sở này tập trung nhiều ở các quận Cầu Giấy (3.600 cơ sở), Thanh Xuân (3.414), Nam Từ Liêm (2.417), Bắc Từ Liêm (2.750), Long Biên (2.680)… thu hút hàng nghìn lao động tham gia, với tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2016-2020.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân lĩnh vực kinh doanh BĐS ngoài Nhà nước tại các quận Tây Hồ tăng 38,57%/năm, Long Biên 24,4%/năm, Hà Đông 39,14%/năm, Nam Từ Liêm 18%/năm, Bắc Từ Liêm 10,68%/năm...

Tuy nhiên, đề án cũng chỉ ra trong quá trình phát triển thị trường BĐS vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Một số chỉ tiêu về hạ tầng đô thị như nhà ở, giao thông đô thị, diện tích công viên trên đầu người ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường đô thị, hạ tầng thương mại khu vực đô thị tồn tại nhiều bất cập, khó khăn.

Trên cơ sở đó, thông qua Đề án "Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội" ban hành ngày 13/6, UBND thành phố giao Sở Xây dựng tham mưu giải pháp về phát triển các sản phẩm BĐS nhà ở, BĐS công nghiệp, BĐS thương mại - dịch vụ (mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê, khách sạn...).

Đặc biệt, cần kiểm soát, điều tiết đảm bảo thị trường BĐS phát triển cân đối cung - cầu, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch; kiểm soát chặt tình trạng đầu cơ BĐS khu vực trung tâm.

UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan chuyên môn khuyến khích phát triển các loại hình công trình xanh, văn phòng xanh, khách sạn xanh thân thiện môi trường phục vụ thị trường cho thuê và kinh doanh du lịch, phù hợp với định hướng về phát triển thương mại - dịch vụ đô thị trung tâm.

Đồng thời, ưu tiên phát triển quỹ nhà ở xã hội tại các khu vực định hướng trở thành quận trong thời gian tới. Công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Quảng Nam kiến nghị thu hồi dự án của Bách Đạt An

Theo Xây dựng, ngày 14/6, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về việc khó khăn, vướng mắc khi tham mưu gia hạn tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở do Công ty cổ phần Bách Đạt An (Công ty Bách Đạt An) làm chủ đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, Công ty Bách Đạt An được giao thực hiện 14 dự án. Đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã thực hiện chấm dứt hoạt động đầu tư đối với 5 dự án.

Còn lại 9 dự án đang được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trên, chủ đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc.

Đặc biệt với 3 dự án gồm Khu đô thị 7B mở rộng, Khu đô thị Hera Complex Riverside, Khu đô thị Bách Đạt, việc ký hợp đồng huy động vốn tại 3 dự án này với Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Nhất Nam và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản GAIA, hồ sơ pháp lý của các dự án này chưa đầy đủ, chưa có cơ sở hạ tầng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước, chưa đảm bảo theo quy định.

Ngoài ra, các lô đất tại 3 dự án này đã được người mua chuyển nhượng nhiều lần trong thực tế, khi tiến độ của các dự án trên không đảm bảo như cam kết với người mua dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, tập trung đông người đến cơ quan nhà nước, tạo điểm nóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Trên cơ sở ý kiến tham gia góp ý về gia hạn tiến độ thực hiện dự án của các đơn vị liên quan, Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam nhận thấy Công ty Bách Đạt An không hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan Nhà nước, không thực hiện chuyển kinh phí để thực hiện chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng theo các phương án đã được phê duyệt và theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam.

Ngoài ra công ty này không phối hợp thực hiện nghĩa vụ ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định.

"Như vậy, năng lực của chủ đầu tư không đảm bảo để tiếp tục triển khai thực hiện dự án, đồng thời, cơ quan thuế yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, do đó Sở Kế hoạch và Đầu tư không có cơ sở tham mưu cấp thẩm quyền gia hạn tiến độ thực hiện dự án", báo cáo nêu rõ.

Trước tình hình đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, báo cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chấm dứt hoạt động đối với các dự án do Công ty Bách Đạt An thực hiện.

Bất động sản mới nhất: Hà Nội ‘siết’ tình trạng đầu cơ, diễn biến mới nhất vụ nợ 1.000 sổ đỏ, thủ tục chuyển đất thổ canh sang thổ cư
Ngành chức năng tỉnh Quảng Nam kiến nghị thu hồi dự án của Công ty Bách Đạt An. (Ảnh: Công Bính)

Thanh Hoá: Nhiều BĐS rao bán “cắt lỗ” vẫn gặp khó

Không khó để tìm thấy những tin rao bán BĐS “cắt lỗ”, “bán gấp thu hồi vốn” hay cần trả nợ bán gấp… trên các trang mua bán BĐS, nhóm mua bán BĐS, nhà ở (của mạng xã hội).

Theo tìm hiểu, từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường BĐS tại Thanh Hoá đang gặp nhiều khó khăn khi thanh khoản chậm, trong khi đó lãi xuất ngân hàng tăng, nhiều nhà đầu tư rơi vào “khủng hoảng”, tìm nguồn vốn để xoay vòng gặp khó khăn, buộc phải cắt lỗ để xoay vòng hoặc thu hồi vốn để tái đầu tư sang lĩnh vực khác.

Việc nhiều BĐS của nhà đầu tư đang khó thanh khoản, khiến các nhà đầu tư tăng gánh nặng, họ tìm mọi cách để kích cầu, như cắt lỗ hay bán gấp để thu hồi vốn có thể thấy tại các mặt bằng đất nền trên địa bàn một số huyện thị trước đây có tình trạng đất “sốt”, nay đã qua thời kỳ đất số, kinh tế khó khăn, nhu cầu người dân giảm mạnh, lãi suất ngân hàng tăng việc BĐS khó thanh khoản là điều tất yếu.

Qua khảo sát, không chỉ đất nền rơi vào tình trạng khó thanh khoản, mà còn nhiều dự án BĐS xây thô cũng rơi vào tình trạng khó bán, bởi người dân cho rằng giá quá cao. Điển hình như một số dự án tại phường Quảng Thắng, phường Đông Vệ thành phố Thanh Hoá.

Thủ tục chuyển đất thổ canh sang đất thổ cư

Tại điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013, khi hộ gia đình, cá nhân chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phải xin phép UBND cấp huyện nơi có đất (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương). Ngoài ra, người dân cũng cần chuẩn bị hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, người dân phải làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất và chỉ khi nào có quyết định cho phép của UBND cấp huyện nơi có thửa đất mới được chuyển. Nếu tự ý chuyển sẽ bị phạt tiền và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Căn cứ Điều 59 Luật Đất đai 2013, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định rõ như sau:

Đối với tổ chức: UBND cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) quyết định.

Đối với hộ gia đình, cá nhân: UBND cấp huyện có thẩm quyền quyết định.

Trường hợp cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định.

Như vậy, hộ gia đình, cá nhân xin phép chuyển mục đích sử dụng đất thì trong đơn xin chuyển phải ghi rõ là: Kính gửi Ủy ban nhân dân + tên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất.

Hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất gồm: Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BNTMT; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, sổ hồng).

Trình tự, thủ tục thực hiện:

Bước 1. Nộp hồ sơ. Nơi nộp hồ sơ (áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân):

Cách 1: Nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa cấp huyện để chuyển cho Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Cách 2: Nơi chưa tổ chức bộ phận một cửa sẽ nộp trực tiếp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ.

Nếu hồ sơ đầy đủ thì bộ phận tiếp nhận sẽ ghi vào sổ tiếp nhận và trao phiếu tiếp nhận cho người nộp.

Nếu hồ sơ thiếu, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh theo quy định.

Bước 3. Giải quyết yêu cầu. Khi nhận được thông báo nộp tiền của cơ quan thuế người sử dụng đất phải nộp theo đúng số tiền và đúng thời hạn trên thông báo.

Bước 4. Trả kết quả.