bất động sản mới nhất. (Nguồn: NHNN)
Thị trường bất động sản hiện đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. (Nguồn: NHNN)

9 kiến nghị của các "ông lớn" địa ốc

Tại Hội nghị thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững diễn ra ngày 17/2, các doanh nghiệp lớn đã báo cáo tình hình triển khai các dự án, các vướng mắc cụ thể của dự án và kiến nghị 10 giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện nay. Cụ thể như sau:

Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chung tay giúp sức

Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes - cho biết thị trường BĐS hiện nay có những vướng mắc nổi cộm về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được…

Ông đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng chung tay, giúp sức nhằm hồi phục thị trường BĐS, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, Nhà nước, doanh nghiệp.

Đề xuất giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland), kiến nghị Chính phủ và NHNN ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án BĐS từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.

Ngân hàng giảm lợi nhuận, đồng hành cùng doanh nghiệp

Ngoài đề xuất giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ, Novaland đề nghị Chính phủ, NHNN cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường.

Doanh nghiệp này cũng đề nghị các ngân hàng thương mại nên giảm biên lợi nhuận để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tháo gỡ pháp lý

Ông Bùi Thành Nhơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước. Sự ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

Cho phép dùng tài sản hình thành trong tương lai

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty GP.INVEST, cho biết, bên cạnh việc sử dụng vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp chỉ dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và đối tác, kể cả đối tác nước ngoài để bổ sung nguồn vốn.

Vì vậy, ông Hiệp xin đề nghị NHNN cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án nếu như phương án kinh doanh đảm bảo có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.

Xem xét lại hệ số rủi ro

Chủ tịch HĐQT Công ty GP.INVEST còn đề nghị NHNN chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay BĐS cho từng trường hợp cụ thể tùy thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% đối với tất cả các chủ đầu tư.

Ngoài ra, ông đề nghị về chính sách tín dụng tránh đột ngột, gây khó khăn cho doanh nghiệp như trong thời gian vừa qua.

Sớm ban hành sửa đổi Nghị định 65

Chủ tịch Novaland cho biết, việc sửa đổi Nghị định 65 đã soạn thảo từ đầu tháng 12/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Ông Bùi Thành Nhơn mong các nội dung sửa đổi này được ban hành sớm.

Tăng nguồn cung từ cải tạo chung cư cũ

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, chung cư cũ cải tạo sẽ là nguồn cung lớn cho nhà ở phân khúc hợp lý với người tiêu dùng đồng thời góp phần cải tạo chỉnh trang bộ mặt đô thị…

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc nhất là quy hoạch và mật độ dân số bị hạn chế khi cải tạo lại nên không đáp ứng được yêu cầu đền bù của người dân (hệ số K) và yêu cầu hiệu quả kinh doanh của chủ đầu tư. Để giải quyết vấn đề này chắc chắn lãnh đạo hai thành phố Hà Nội và TPHCM (nơi tập trung lớn nhất các khu chung cư cũ) cần có những quyết sách riêng cho từng trường hợp cần linh hoạt giải quyết.

Đề xuất quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, cần có một quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội như đề xuất của Bộ Xây dựng mới đây nhưng không chỉ dùng để hỗ trợ tín dụng cho dự án nhà ở xã hội mà nên có một phần dành cho các địa phương để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nhà ở xã hội.

Đầu tiên là vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phải lựa chọn các khu nhà ở xã hội tập trung ở vị trí quy hoạch hợp lý rồi sử dụng quỹ này đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tập trung, sau đó mới lựa chọn chủ đầu tư. Điều này sẽ chủ động được kế hoạch và đồng thời cũng tăng tính hấp dẫn của các dự án nhà ở xã hội đối với các chủ đầu tư.

Ngoài ra, các thể chế quy định về tiêu chuẩn nhà ở xã hội, trình tự các bước làm dự án nhà ở xã hội, tiêu chuẩn và chế độ cho người mua nhà ở xã hội cũng cần cập nhật lại và đơn giản hóa theo điều kiện biến đổi của thị trường (kể cả đơn giá thi công nhà ở xã hội).

Dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho BĐS

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững diễn ra ngày 17/2, đối với đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường BĐS.

“Nhưng nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng… và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác”, Thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc cho biết thêm, NHNN đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

NHNN sẽ giao đơn vị theo dõi, tổ chức, triển khai chương trình này và thông báo cho các ngân hàng khác, nếu các ngân hàng khác tham gia thì gói này có thể sẽ được nhiều hơn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. (Nguồn: TTXVN)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: TTXVN)

Thống đốc cũng khẳng định, trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản, NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp.

Về lãi suất, Thống đốc cho biết, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để làm sao cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.

Thị trường nhà ở Hà Nội: Giá bán tăng trở lại từ năm 2024

Thị trường nhà ở Hà Nội: Dự báo xu hướng giảm giá có thể sẽ tiếp diễn hết quý II trước khi giá bán tăng trở lại từ năm 2024.

Nhận định trên được CBRE chia sẻ tại sự kiện “Triển vọng thị trường BĐS năm 2023 - Trở ngại trên con đường phục hồi” tổ chức vừa qua tại Hà Nội. Các thách thức về kinh tế vĩ mô hiện tại bao gồm việc siết chặt tín dụng và lãi suất tăng cao sẽ kéo theo sự trì hoãn các đợt mở bán của một số dự án, cũng như tiến độ thi công của các dự án hiện hữu sẽ bị ảnh hưởng.

Theo CBRE, các thách thức về kinh tế vĩ mô hiện tại bao gồm việc siết chặt tín dụng và lãi suất tăng cao sẽ kéo theo sự trì hoãn các đợt mở bán của một số dự án, cũng như tiến độ thi công của các dự án hiện hữu sẽ bị ảnh hưởng.

Dự kiến từ năm 2023, thị trường nhà ở gắn liền với đất của Hà Nội sẽ tiếp tục ghi nhận các đợt mở bán của dự án VOCP3 và một vài dự án khác bao gồm Vinhomes Cổ Loa Đông Anh ở phía Bắc và Mailand Hanoi City ở phía Tây.

Tổng nguồn cung mở bán mới trong thời gian tới dự kiến đạt hơn 16.000 căn. Về giá bán thứ cấp, với giả định rằng các diễn biến vĩ mô hiện tại trên thị trường sẽ ổn định hơn trong nửa cuối năm 2023, dự báo xu hướng giảm giá có thể sẽ tiếp diễn đến hết quý II/2023 trước khi giá bán bắt đầu tăng trở lại từ năm 2024.

TPHCM bán đấu giá 3.800 căn hộ từng làm bệnh viện dã chiến

Ngày 16/2, tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó phòng Phát triển nhà và Thị trường BĐS, Sở Xây dựng TPHCM đã thông tin về kế hoạch sử dụng khu dân cư mới Thủ Thiêm. Theo đó, 3.800 căn hộ từng được sử dụng để làm bệnh viện dã chiến phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được tổ chức bán đấu giá.

Ông Hoan cho biết, trước đây để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khi thu hồi đất xây dựng khu Đô thị mới Thủ Thiêm, UBND Quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức) đã thực hiện khảo sát, điều tra ban đầu.

Trên cơ sở đó, Thành ủy, UBND TPHCM đã có chủ trương đầu tư xây 12.500 căn hộ, nhằm phục vụ cho nhu cầu của người dân trong khu vực giải tỏa. Đây là phương án thực hiện cam kết của chính quyền thành phố trong việc chuẩn bị đủ quỹ nhà phục vụ tái định cư cho các gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, phải di dời khi thực hiện quy hoạch đầu tư khu Đô thị mới Thủ Thiêm.

Đến nay đã có 80% số căn hộ được xây dựng hoàn thành. Trong đó, 3.000 căn hộ tái định cư sẽ tiếp tục thực hiện tái định cư.

Hiện, thành phố Thủ Đức đã bố trí sử dụng được khoảng 2.000 căn tái định cư cho các hộ dân, đối với 1.000 căn hộ còn lại, UBND TPHCM đã có quyết định phân bổ cho UBND thành phố Thủ Đức tiếp tục tái định cư cho khu đô thị Thủ Thiêm và các dự án đầu tư công khác trên địa bàn.

Đối với khoảng 3.800 căn hộ thành phố không còn nhu cầu sử dụng để phục vụ tái định cư, theo đề nghị của TPHCM, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đã có kết luận sẽ chuyển sang bán đấu giá. Hiện nay, UBND TPHCM đã có quyết định giao Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM triển khai phương án tổ chức bán đấu giá.

Trong năm 2020 và 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát, để phục vụ phòng chống dịch đã quyết định sử dụng 3.800 căn hộ làm bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Hiện nay, liên quan việc đấu giá 3.800 căn hộ này, thành phố đã lập tổ công tác tham mưu, thực hiện bán đấu giá.