Bất động sản mới nhất: Giá đất trung tâm TP. Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao. (Nguồn: Getty)
Bất động sản mới nhất: Giá đất trung tâm TP. Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao. (Nguồn: Getty)

Gần 500 triệu/m2 nhà mặt phố quận trung tâm

Công ty Propzy vừa công bố báo cáo biến động giá chào bán nhà phố mặt tiền tại TP. Hồ Chí Minh (TP HCM) với mức cao nhất thuộc về địa bàn quận 1, bình quân các giao dịch đạt 473 triệu đồng mỗi m2. Hai khu vực trung tâm khác là quận 3 và 5 lần lượt đạt giá bình quân 376-384 triệu đồng mỗi m2.

Cột giá cho thấy nhà phố mặt tiền các quận 1, 3, 5 đắt gấp 2-3 lần giá nhà phố mặt tiền bình quân 24 quận huyện (146 triệu đồng một m2).

Tuy giá cao, thanh khoản nhà phố mặt tiền ghi nhận ở mức kém. Khảo sát dựa trên các đơn giá giao dịch thực tế trên hệ thống của đơn vị này suốt 6 tháng đầu năm nay, tức rơi vào khoảng thời gian diễn ra đợt dịch Covid-19 lần ba và tư.

Trong khi đó, bình quân nhà phố mặt tiền trên địa bàn quận 10 ghi nhận giao dịch ở vùng giá 291 triệu đồng/m2, còn quận 11, 4, Phú Nhuận giá giao dịch bình quân lần lượt 220 triệu, 230 triệu và 239 triệu đồng/m2. Nhà phố mặt tiền tại quận Bình Thạnh, Tân Bình cùng giao dịch ở mức giá bình quân 180 triệu đồng/m2.

Nhóm các quận Gò Vấp, quận 8, 2, Tân Phú, quận 7 và 6 lần lượt ghi nhận giá giao dịch nhà phố mặt tiền dao động 127-150 triệu đồng/m2. Di chuyển ra các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, quận 12, 9, Thủ Đức và Bình Tân giá giao dịch nhà phố mặt tiền hai quý đầu năm dao động 52-93 triệu đồng/m2.

Báo cáo của đơn vị này cho biết thêm, mở rộng ra 18 tháng qua, tức kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam cho đến nay, nhóm nhà liền thổ riêng lẻ tại TP HCM bao gồm cả nhà phố mặt tiền và nhà hẻm ghi nhận giá giao dịch tăng 12-17%. Bất động sản ở khu vực trung tâm (quận 1, 3, 5, 10) có xu hướng tăng giá và tăng nhiều nhất là 17%.

Giá tăng nhưng mãi lực của nhà phố đã kém dần kể từ khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, nhóm bất động sản giá trị càng lớn thanh khoản càng thấp trong khi các tài sản nằm trong vùng giá 3-5 tỷ đồng một căn có lượng giao dịch nhỉnh hơn.

Propzy nhận định, nhóm tài sản nhà phố ở các quận trung tâm vẫn được đánh giá là kênh trú ẩn an toàn và có cơ hội hồi phục tích cực sau đại dịch.

Sau ‘cơn sốt’, giá đất Văn Giang có nơi giảm gần một nửa

Vừa qua, giá đất Văn Giang (Hưng Yên) đã tăng chóng mặt khi có tin đồn địa phương này sẽ sáp nhập về Hà Nội. Nhưng khi cơn sốt đất lắng xuống, giá đất tại đây đã giảm gần một nửa.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các giao dịch bất động sản cũng bị đình trệ. "Cơn sốt" đất tại các huyện vùng ven Hà Nội cũng dần lắng xuống. Theo một số môi giới đất tại khu vực huyện Văn Giang (Hưng Yên), giá đất tại đây chỉ giảm nhẹ so với đầu năm nay.

Thế nhưng, theo , đầu năm nay, giá đất mặt đường hai ô tô tránh nhau tại huyện Văn Giang là khoảng 24-25 triệu đồng/m2. Đất trong ngõ ô tô nhỏ vào được có giá khoảng 18-19 triệu đồng/m2. Nhưng hiện tại, giá đất mặt đường lớn giảm còn khoảng 19-20 triệu đồng/m2, ngõ nhỏ dao động 15-16 triệu đồng/m2.

Nhiều mảnh đất mặt đường gần chợ trước đây chủ đất ra giá 22 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại họ cần tiền gấp nên giảm gần một nửa chỉ còn khoảng 13 triệu đồng/m2.

Ngoài những giao dịch cần bán gấp, giá đất Văn Giang cũng ghi nhận mức giảm rõ rệt. Theo một môi giới đất tại đây, giá đất Văn Giang đã giảm trung bình 3-4 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí, giao dịch phổ biến trong khoảng 13-17 triệu đồng/m2.

Thời điểm diễn ra "sốt" đất, bất kể khu vực nào tại Văn Giang cũng diễn ra giao dịch, nhưng khu vực thị trấn Văn Giang vẫn được nhiều người quan tâm nhất. Các giao dịch tại đây chủ yếu là đất có sổ đỏ. Nhà đầu tư ít quan tâm tới đất dịch vụ, đất nông nghiệp.

Thu hồi dự án của Thuduc House và TMS

UBND TP Cần Thơ vừa thu hồi chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới - Khu 3 (Lô số 14A) do Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức làm chủ đầu tư. Lý do thu hồi là chủ đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư dự án.

Dự án này được UBND TP Cần Thơ phê duyệt vào tháng 4/2019 tọa lạc tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Quy mô dự án hơn 51 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.620 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án được thực hiện trong 5 năm từ quý I/2019 đến quý IV/2023.

Trước đó, UBND TP Cần Thơ cũng có quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch Cồn Sơn (Resort TMS Cần Thơ) do Công ty Cổ phần Toàn cầu TMS (thuộc Tập đoàn TMS) làm chủ đầu tư.

Khu du lịch Cồn Sơn nằm tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy có diện tích 75ha. TMS dự kiến đầu tư 1.570 tỷ đồng. Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 4/2019 và thời gian thực hiện kiến là 5 năm.

Tuy nhiên, mấy năm qua chủ đầu tư vẫn chưa triển khai khu du lịch Cồn Sơn theo đúng tiến độ cam kết. Thành phố đã có nhiều văn bản nhắc nhở, hối thúc nhà đầu tư thực hiện dự án.

UBND TP. Cần Thơ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu đề xuất phương án mời gọi, nhà đầu tư thực hiện các dự án trong thời gian tới.

Từ đầu năm đến nay, địa phương này liên tục thu hồi một số dự án chậm triển khai. Theo số liệu của UBND TP Cần Thơ, trong 7 tháng đầu năm, thành phố đã thu hồi tổng cộng 45 dự án với diện tích gần 140 ha. Trong đó 28 dự án có vốn ngân sách và 17 dự án có vốn ngoài ngân sách.

bất động sản mới nhất. (Nguồn: TCTC)

Áp lực gia tăng dòng tiền không làm giảm giá bất động sản, nhà ở

Các chuyên gia của Công ty Savills nhận định, thị trường nhà ở toàn cầu đang ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2016.

Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến nay, bất động sản nhà ở toàn cầu hồi phục khả quan với mức tăng trưởng giá trung bình đạt 3,9%.

Tại Hà Nội, mặc dù đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thị trường bất động sản vẫn được các chuyên gia nhận xét là giá không giảm, tuy hoạt động chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, giá bất động sản đô thị từ nay tới cuối năm dự kiến sẽ không giảm, bất chấp áp lực gia tăng về dòng tiền và việc chi trả của các nhà đầu tư.

Khảo sát của Savills Việt Nam cho thấy thị trường Hà Nội trong những tháng đầu năm 2021 ghi nhận hoạt động tích cực với giá chào bán sơ cấp trung bình đối với loại hình căn hộ tăng 11% theo năm.

Trong khi đó, loại hình biệt thự và nhà liền kề cũng ghi nhận mức tăng khoảng 7%/năm trong giá chào bán thứ cấp. Sự tăng trưởng về giá này được nhận định là do nguồn cung hạn chế; cơ sở hạ tầng được cải thiện và tiêu chuẩn phát triển cao hơn của các dự án tại đây.

Tiếp nối đà tăng trưởng, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội, cho rằng thị trường vẫn có triển vọng sáng trong những tháng cuối năm 2021.

Đối với phân khúc căn hộ, đất nền, do dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, tình hình thị trường giai đoạn cuối năm có thể vẫn chậm hơn cùng kỳ năm ngoái do các chủ đầu tư, nhà đầu tư đều giữ tâm lý thận trọng trong việc mở bán hoặc ra quyết định đầu tư. Thế nhưng, giá bán dự báo sẽ không giảm.

Đánh giá chung về xu hướng thị trường, bà Hằng cho rằng ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động thị trường sau thời gian bị “nén” sẽ sôi động hơn.

HOÀNG NAM