Bất động sản hàng hiệu: Chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ', khách hàng mua nhà bằng... niềm tin

Bất động sản hàng hiệu là hình thức kinh doanh căn hộ siêu sang dựa trên việc 'đứng trên vai người khổng lồ', song các tiêu chí đánh giá, phân loại căn hộ không dành cho dự án chưa hoàn thiện.

Bất động sản hàng hiệu - Branded residence vẫn còn là khái niệm lạ lẫm ở Việt Nam nhưng mô hình này xuất hiện đầu tiên tại New York cách đây khoảng 1 thế kỷ. Đây là loại hình bất động sản hợp tác giữa một thương hiệu quản lý và một đơn vị phát triển dự án.

Marriott International và Masterise Homes mang thương hiệu bất động sản hàng hiệu đến thị trường Việt Nam

Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), hiện nay trên toàn cầu có khoảng 500 dự án “bất động sản hàng hiệu” thuộc phân phúc bất động sản hạng sang và siêu sang.

Sản phẩm “bất động sản hàng hiệu” được thiết kế rất đẳng cấp, chất lượng xây dựng cao, sử dụng vật liệu xây dựng cao cấp và trang thiết bị nội thất “hàng hiệu” sang trọng, được quản lý bởi đơn vị nổi tiếng thế giới, tích hợp nhiều tiện ích và được cung ứng các dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, an toàn, thỏa mãn tối đa sự hưởng thụ của các chủ nhân theo kiểu “đo ni đóng giày” và đặc biệt là tọa lạc tại vị trí đắc địa, rất thuận tiện về giao thông đi lại, có rất nhiều tiện ích dịch vụ đô thị.

Tại Việt Nam, theo tìm hiểu của PV, từ cuối năm 2020, cái bắt tay lịch sử giữa Marriott International và Masterise Homes lần đầu tiên mang tới thương hiệu cao cấp nhất trong dòng sản phẩm của Marriott là The Ritz Carlton đến với thị trường Việt Nam. Hay chung cư One Central Saigon (tiền thân là dự án The Sprit of Saigon) của Masterise Homes đã liên tục được thông tin về giá rumor lên tới 25.000USD/m2. Đây là giá bán chưa từng có trên thị trường căn hộ tại nước ta.

Mọi tiện ích, dịch vụ, chất lượng của "căn hộ hàng hiệu" hình thành trong tương lai vẫn chỉ dừng lại ở cam kết của chủ đầu tư.

HoREA cho rằng, có doanh nghiệp được thành lập chưa lâu lại phát triển được dự án “bất động sản hàng hiệu”. Thực chất đây là hoạt động đầu tư kinh doanh sản phẩm dự án nhà ở cao cấp hạng sang, siêu sang theo phương thức “đứng trên vai người khổng lồ”, “mượn” uy tín thương hiệu của “bất động sản hàng hiệu” nước ngoài để khẳng định đẳng cấp sản phẩm nhà ở để kinh doanh.

Với phương thức này, để được “mượn” uy tín thương hiệu đối tác nước ngoài thì doanh nghiệp phát triển dự án cũng phải có năng lực để thực hiện đầy đủ các yêu cầu về đầu tư, trang thiết bị và quản lý vận hành toà nhà, đảm bảo cung ứng các tiện ích, dịch vụ cho khách hàng theo đúng hợp đồng đã ký kết với đơn vị quản lý “bất động sản hàng hiệu”.

Việc khách hàng bỏ tiền mua “bất động sản hàng hiệu” hình thành trong tương lai, điều khách hàng mua chính là “niềm tin” đối với uy tín của chủ đầu tư cũng như của doanh nghiệp quản lý vận hành.

Masterise Homes cũng đang triển khai đồng loạt các dự án chung cư hạng sang với mức giá top đầu tại Hà Nội (Masterise Water Font, mức giá lên đến 50 triệu đồng/m2) và TP HCM (Masterise Center Point, Masterise Homes Ba Son), song theo tìm hiểu, tỷ lệ hấp thụ của các dự án trên không mấy khả quan. Trong đó, Báo cáo thị trường BĐS Hà Nội quý I/2021 của Savills Việt Nam cho thấy, dự án có giá trên 2.500 USD/m2 chỉ chiếm 3% số căn bán được trong quý.

Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý I/2021 của Savills Việt Nam cho thấy, căn hộ có giá trên 2.500 USD/m2 chỉ chiếm 3% số căn bán được trong quý

Tại Việt Nam, Thông tư 31/2016/TT-BXD đã có các tiêu chí cụ thể về phân hạng và công nhận hạng chung cư, trong đó, chỉ công nhận với các dự án đã đi vào vận hành. Cụ thể, các dự án nhà chưa thành lập Ban Quản trị, chủ đầu tư đề nghị công nhận hạng nhà chung cư. Với các dự án đã thành lập Ban Quản trị, Ban Quản trị nhà chung cư đề nghị công nhận hạng nhà chung cư. Nhưng thực tế, cho đến nay, sự phân hạng chung cư vẫn duy ý chí một phía từ chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, khác với các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, condotel khi chủ đầu tư là đơn vị đứng ra ký kết hợp đồng với đơn vị quản lý vận hành thì theo quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, dù là căn hộ cao cấp, hàng hiệu thì loại hình này vẫn phải tuân thủ theo Luật Nhà ở và Thông tư 06, tức là đơn vị quản lý vận hành tòa nhà sẽ do Ban quản trị nhà chung cư quyết định.

Có nghĩa là, dù chủ đầu tư ký kết hợp đồng với đơn vị quản lý vận hành danh giá, sau khi tổ chức hội nghị nhà chung cư, thương hiệu đó có tiếp tục cung cấp dịch vụ cho tòa nhà hay không lại không nằm trong quyền quyết định của chủ đầu tư và đơn vị quản lý.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thừa nhận, Việt Nam chưa có tiêu chí rõ ràng về nhà hạng sang, siêu cao cấp hay hàng hiệu... đa số đều do chủ đầu tư tự phong.

"Dù Bộ Xây dựng đã có Thông tư nói về phân hạng các phân khúc nhưng lại không mang tính ép buộc, nó chỉ là cơ sở để các nhà phát triển dự án đi đăng ký kinh doanh" - ông Đính cho biết.

Theo enternews.vn