Đồng NDT vẫn chưa thể thay đổi vị thế thống trị toàn cầu của đồng USD. (Nguồn: WSJ) |
Nhật báo Wall Street Journal nhận định như vậy trong một bài viết mới đây.
Những lời tiên tri về sự kết thúc của kỷ nguyên thống trị của đồng USD thỉnh thoảng xuất hiện, nhất là sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt với các nước, chẳng hạn như những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga hiện nay.
Tuy nhiên, cho đến nay, vai trò của "đồng bạc xanh" với tư cách là một đồng tiền dự trữ và thương mại toàn cầu vẫn khá vững chắc.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ dự trữ bằng đồng USD trong các ngân hàng trung ương toàn cầu đã giảm trong những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức gần 60%, nhiều hơn tất cả các loại tiền tệ khác cộng lại.
Bên cạnh đó, sự thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu vẫn vững chắc.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), khoảng một nửa kim ngạch thương mại toàn cầu được tính bằng USD, cao hơn nhiều so với tỷ trọng thương mại quốc tế của Mỹ.
Đồng USD được sử dụng để thanh toán thương mại không liên quan đến các công ty Mỹ và việc tăng vốn cũng được tiến hành bằng USD. Khoảng một nửa các khoản vay xuyên biên giới và chứng khoán nợ quốc tế ở thị trường nước ngoài được tính bằng USD.
Theo một cuộc khảo sát của BIS năm 2022, đồng USD chiếm 88% tổng số tất cả các giao dịch ngoại hối. Thị trường vốn ở Mỹ rộng lớn và được quản lý tốt, thu hút các công ty nước ngoài đầu tư và huy động vốn ở đó.
Tuy nhiên, khi Mỹ sử dụng sự thống trị của đồng USD như một vũ khí để chống lại các quốc gia khác, các nước này sẽ cố gắng tìm các giải pháp thay thế, đặc biệt là những quốc gia đang phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, theo Wall Street Journal, đồng NDT của Trung Quốc - đồng tiền của siêu cường đang lên, sẽ là một lựa chọn hàng đầu. Nhưng trong năm 2022, đồng NDT chỉ chiếm 2,7% dự trữ ngoại hối toàn cầu.
Có một rào cản rõ ràng nhưng rất quan trọng đối với việc sử dụng đồng NDT rộng rãi hơn: Trung Quốc vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt. Điều đó sẽ hạn chế các công ty nước ngoài sẵn sàng đầu tư và vay vốn bằng đồng NDT, ngoại trừ các giao dịch trực tiếp với Trung Quốc.
Với tỷ trọng thương mại toàn cầu của Trung Quốc như hiện nay, nước này có thể tiến hành nhiều giao dịch hơn với các quốc gia khác bằng đồng NDT, nhưng người nhận cũng cần đầu tư vào đồng NDT ở một nơi an toàn, trong đó họ có thể rút tiền ra bất cứ lúc nào mà không bị ràng buộc.
Thị trường vốn của Trung Quốc vẫn đang phát triển và có những quy định nghiêm ngặt về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tài sản ở Trung Quốc. Đây là những vấn đề lớn. Thị trường NDT ở nước ngoài của Trung Quốc cũng nhỏ so với thị trường của nhiều loại tiền tệ của các nước phát triển.
Việc sử dụng rộng rãi hơn đồng NDT cho mục đích đầu tư sẽ dẫn đến những biến động khác ở Trung Quốc, bao gồm sự sụt giảm tỷ lệ tiết kiệm trong nước và sự gia tăng chi phí huy động vốn bằng đồng NDT.
Một sự thay đổi như vậy sẽ đặt ra thách thức trực tiếp đối với mô hình tăng trưởng hiện tại của Trung Quốc, hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và chi phí vốn thấp đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Wall Street Journal khẳng định: "Vị trí thống trị của đồng USD dường như vẫn được đảm bảo, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại".