Mỏ vàng Bồng Miêu tại huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam hết hạn khai thác từ đầu năm 2016. Tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh Quảng Nam tiến hành đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, cho đến nay, Đề án đóng cửa mỏ vẫn còn nằm trên giấy dù UBND tỉnh Quảng Nam đã 7 lần kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhiều năm qua, tình trạng khai thác trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu đã để lại nhiều hệ lụy về môi trường.

 

Năm 1992, Bộ Công nghiệp nặng cấp phép cho Công ty vàng Bồng Miêu thuộc tập đoàn Besra khai thác vàng tại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. 25 năm bòn rút tài nguyên, hàng tấn vàng đã xuất bán ra nước ngoài, nhưng trong báo cáo tài chính, doanh nghiệp nước ngoài này liên tục bị thua lỗ, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ đối tác lên đến hàng trăm tỷ đồng. Dù hết hạn khai thác đã 5 năm, nhưng đến nay, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thể đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường theo đúng quy định. 

Sống trên đất vàng nhưng người dân và chính quyền huyện Phú Ninh chẳng hưởng lợi gì từ vàng mà còn gánh chịu nhiều hệ lụy từ những bất ổn về an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Ông Vũ Thanh Hải, ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh cho biết, 5 năm qua, người dân địa phương chờ đợi mỏ vàng Bồng Miêu đóng cửa: Những chất thải sau khai thác vẫn gây ô nhiễm rất lớn với môi trường, ảnh hưởng tới đời sống và nguồn nước sinh hoạt của người dân tại đây. Chúng tôi mong mỏi Chính phủ, các ngành và tỉnh Quảng Nam sớm hoàn thổ, chia lại đất cho người dân chúng tôi trồng rừng, trồng cây ăn quả, phát triển đời sống".

Mỏ vàng Bồng Miêu rộng 385 héc ta, nằm ở khu vực có địa hình phức tạp. Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an huyện Phú Ninh và xã Tam Lãnh đã tổ chức hơn 40 đợt truy quét, đẩy đuổi, nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn tái diễn.

Theo Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, ngành chức năng đã lập danh sách 500 đối tượng tham gia khai thác vàng trái phép tại đây và có tình trạng băng nhóm, bảo kê tại các mỏ vàng. "Qua khảo sát thực tế trên địa bàn thì có thể khẳng định rằng chốt chặn không giải quyết được vấn đề gì cả. Lực lượng của chúng ta rất mỏng, trong khi đối tượng thì ở trong khu vực núi cao cả tháng, chúng ta có đẩy đuổi, đốt lán trại đi nữa thì cũng không rác gì là phơi thóc đuổi gà. Gà đến đuổi đi thì chạy nhưng khi chúng ta đi thì lại đến".

Theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010, khi hết hạn giấy phép năm 2016, Công ty vàng Bồng Miêu phải có trách nhiệm đóng cửa mỏ. Doanh nghiệp này đã tuyên bố phá sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị cấp phép nên phải có trách nhiệm lập đề án và tiến hành thủ tục đóng cửa mỏ, hoàn thổ và phục hồi môi trường. Kế hoạch đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt từ giữa năm 2017 với tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số tiền Công ty vàng Bồng Miêu ký quỹ tại Quỹ Bảo vệ môi trường là 6 tỷ đồng, vẫn còn thiếu hơn 12 tỷ đồng để triển khai đề án đóng cửa mỏ. Cuối năm 2019, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng đã thông qua Nghị quyết chi ngân sách địa phương 12,6 tỷ đồng để đóng cửa mỏ.

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã 7 lần gửi văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành quyết định phê duyệt đóng cửa mỏ, nhưng vẫn chưa thấy bộ này trả lời?. Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích: "Quy định của Luật Khoáng sản là như vậy, nhưng quy định của Luật Ngân sách lại không cho phép chuyển ngân sách của địa phương lên ngân sách Trung ương để thực hiện một đề án. Như thực tế hiện nay thì có tới 2 nguồn kinh phí, một là nguồn 6,4 tỷ đồng của doanh nghiệp đã đưa vào ngân sách nhà nước, cụ thể là của Bộ Tài nguyên và Môi Trường, hai là gần 13 tỷ từ nguồn ngân sách của tỉnh Quảng Nam. Tất cả các quy định này đang bị vướng".

Ngày 12/8/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có Kết luận nêu rõ: Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam rà soát nội dung Đề án đóng cửa mỏ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trong tháng 2/2021. Thế nhưng, đến nay Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu vẫn còn nằm trên giấy.

Trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vào ngày 9/11, về tình hình kinh tế - xã hội 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam một lần nữa kiến nghị về việc khẩn trương hoàn tất thủ tục đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu: "Dù đã hết hạn khai thác vào năm 2016, nhưng việc không đóng cửa mỏ trong thời gian dài đã tạo điều kiện cho các hoạt động khai thác vàng trái phép, hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất đai, các nhóm tội phạm về ma túy, trộm cắp, buôn bán, tang trữ chất độc, vật liệu nổ diễn ra dai dẳng và ngày các phức tạp. Quảng Nam tha thiết đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng chỉ đạo đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu để sớm ổn định tình hình tại địa phương"./.

Long Phi/VOV-Miền Trung