Hàng nghìn vụ vi phạm
Trong thời điểm Tết Trung thu đang cận kề, bánh trung thu là sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng Việt Nam quan tâm. Đáp ứng nhu cầu đó, thị trường bánh trung thu xuất hiện hàng loạt thương hiệu bánh với chất lượng, giá cả, mẫu mã khác nhau. Sự đa dạng của thị trường đã góp phần giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn khi mua sản phẩm, tuy nhiên, điều này cũng mang lại những hạn chế, tiêu cực nhất định. Có thể kể đến tình trạng bánh trung thu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, nguyên liệu bẩn...
Thậm chí, chỉ trong thời gian ngắn tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, cơ quan chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm. Chỉ tính riêng tại địa bàn Hà Nội, Cục Quản lý thị trường TP đã kiểm tra 11 vụ, xử lý 11 vụ, phạt hành chính gần 100 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là 114.890.000 đồng, tịch thu, tạm giữ 26.963 chiếc bánh trung thu các loại. Trong đó, hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu không có hóa đơn chứng từ.
Trang Facebook của xưởng bánh trung thu Thanh Tâm.
Ngoài thanh kiểm tra, lực lượng chức năng cũng tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, người kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Nội dung tuyên truyền cho các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh, người sử dụng bánh Trung thu.
Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu bánh Trung thu, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cũng cho biết, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, đặc biệt là các cá nhân, cơ sở kinh doanh, bán online mặt hàng này trên website thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo...) nhưng chưa thông báo với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).
Mặc dù lực lượng chức năng đang tích cực vào cuộc ngăn chặn bánh Trung thu nhập lậu, nhưng Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cũng khuyến cáo người tiêu dùng, khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng (có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...); chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán, không có địa chỉ rõ ràng, hoặc chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể...
Bánh Trung thu Thanh Tâm mập mờ chất lượng
Vào mỗi dịp Tết Trung thu, vấn đề chất lượng sản phẩm bánh trung thu luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu và thu hút sự quan tâm từ phía người tiêu dùng. Bởi chỉ khi lựa chọn được sản phẩm bánh trung thu có chất lượng tốt, người tiêu dùng mới có thể an tâm về sức khoẻ bản thân và gia đình.
Không thể phủ nhận rằng, trên thị trường bánh trung thu hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu ý thức được việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm này. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (tiêu biểu là ISO 22000) để nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có những cơ sở sản xuất, kinh doanh coi nhẹ thậm chí không quan tâm nhiều tới vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp còn thông tin, quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng để thoả mãn tham vọng doanh thu.
Thời gian qua, người tiêu dùng phản ánh về trường hợp xưởng bánh trung thu Thanh Tâm (địa chỉ tại tòa nhà CT5 MHDI Lê Đức Thọ, 89 Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm bánh trung thu Thanh Tâm. Cụ thể, trên website xuongbanhtrungthu.com, sản phẩm bánh trung thu Thanh Tâm được quảng cáo "đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018".
Tiêu chuẩn ISO 22000 là tiêu chuẩn về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm do Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành và được thừa nhận trên toàn thế giới. Tiêu chuẩn này được áp dụng cho tất cả tổ chức nằm trong chuỗi thực phẩm. Phiên bản hiện hành của tiêu chuẩn này là ISO 22000:2018. Một doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm áp dụng và đạt chứng nhận ISO 22000:2018 được nhìn nhận là đơn vị có hệ thống quản lý tốt an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.
Xưởng bánh Trung thu Thanh Tâm không được cấp ISO 22000 nhưng vẫn quảng cáo sản phẩm đạt chuẩn này.
Mặc dù quảng cáo đạt ISO 22000:2018 tuy nhiên trên thực tế, xưởng bánh trung thu Thanh Tâm không được bất cứ đơn vị chứng nhận nào cấp chứng nhận ISO 22000:2018. Khi trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), đại diện xưởng bánh trung thu Thanh Tâm cũng chính thức thừa nhận điều này.
"Xưởng bánh Trung thu Thanh Tâm có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Còn về giấy chứng nhận đạt chuẩn ISO 22000:2018 thì chúng tôi không có, không được cấp", vị đại diện cho hay.
Không chỉ quảng cáo sai sự thật về giấy chứng nhận ISO 22000:2018, website và trang Facebook của xưởng bánh trung thu Thanh Tâm còn quảng cáo sai sự thật về việc sản phẩm bánh này đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Trên thực tế, khi trao đổi thông tin với phóng viên, đại diện xưởng bánh Trung thu Thanh Tâm cũng không đưa ra được giấy tờ nào chứng minh sản phẩm đủ chuẩn xuất khẩu như quảng cáo. Phía xưởng bánh cũng không cung cấp được giấy chứng nhận chất lượng và chứng nhận xuất xứ như đã quảng cáo trên website và Facebook của xưởng bánh Trung thu Thanh Tâm.
Trong khi đó, chiểu theo quy định pháp luật, tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo cũng nghiêm cấm: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.
Mặc dù quảng cáo bánh trung thu đạt chuẩn xuất khẩu nhưng phía xưởng bánh lại không có giấy tờ nào chứng minh thông tin này là thật.
Tự nhận là số 1 Việt Nam, lừa dối người dùng
Trên website xuongbanhtrungthu.com, xưởng bánh Trung thu Thanh Tâm cũng tự nhận là "bánh trung thu hanmade số 1 Việt Nam". Tuy nhiên, phía xưởng bánh lại không có tài liệu hợp pháp chứng minh mình là số 1 Việt Nam. Trong khi đó, Khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh là hành vi bị cấm. Khoản 2 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định hành vi quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Xưởng bánh Trung thu Thanh Tâm quảng cáo số 1 Việt Nam là sai sự thật.
Trước thực trạng trên, người dùng không khỏi lo lắng về việc liệu bánh trung thu Thanh Tâm có đảm bảo chất lượng? Vì sao xưởng bánh Trung thu Thanh Tâm lại quảng cáo sản phẩm đạt ISO 22000:2018, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu với đối tác, khách hàng nhưng trên thực tế xưởng bánh này hoàn toàn không có giấy chứng nhận đạt các tiêu chuẩn đã nêu? Đây liệu có phải hành vi lừa dối người tiêu dùng của xưởng bánh Trung thu Thanh Tâm? Nếu vì tin vào những nội dung quảng cáo sai sự thật mà khách hàng, người tiêu dùng mua sản phẩm bánh trung thu Thanh Tâm thì đơn vị này sẽ xử lý ra sao? Vì sao xưởng bánh này lại tự nhận mình là số 1 Việt Nam khi không có căn cứ hợp pháp?
Về vấn đề này, đề nghị cơ quan chức năng, đặc biệt là Thanh tra Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
BS. TS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, trong bối cảnh nhiều loại bánh trung thu đang được bán tràn lan trên thị trường hiện nay, để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua bánh ở những cơ sở có uy tín, thương hiệu, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi thị trường bánh đang “loạn” về chất lượng nên cần hết sức cẩn trọng khi mua về sử dụng, nhất là với những loại bánh làm từ nguyên liệu giá rẻ, không rõ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng… “Thực tế, có quá nhiều loại bánh nên rất khó kiểm soát được nguồn gốc bánh, thực phẩm làm bánh, do đó, nên cân nhắc để lựa chọn bánh và thực phẩm an toàn, đồng thời sử dụng với số lượng hợp lý để vừa đón được Tết Trung thu theo đúng nghĩa mà vẫn không ảnh hưởng đến tình trạng tăng cân hoặc rối loạn đường huyết ở những bệnh nhân đang điều trị”, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho hay. |