Ăn bún cua thối hay "bún cười" trong sắc thu vàng phố núi

Quê mình – Pleiku nổi tiếng với món bún cua được bán quanh năm nhưng vào mùa thu ăn bún cua đã cho ra một vị mới, đặc biệt ngon hơn các mùa khác. Vẫn ít bún tươi, cua giã và vắt lấy nước, lọc ra thịt cua, gạch cua vàng óng, ủ qua 1 đêm.

Sáng ra người nấu sẽ dậy thật sớm, phi hành tỏi gia vị thơm lựng cùng với măng tươi được luộc nhiều lần, cho ra măng tươi giòn dai sần sật. Tất cả được um trên bếp lửa trong vài tiếng, cho ra nồi bún cua đậm đà với nồi nước dùng thơm thoang thoảng của mắm ruốc, mắm tôm được ủ qua 1 đêm khiến người ăn vô cùng ngon miệng và không thể không ăn khi đến Pleiku.

Em gái mình mê món bún cua đồng đến độ khi chuyển về Sài Gòn sống, lâu lâu thèm quá, mình phải bỏ nước bún cua vào trong ngăn đá, đông lại và gửi vào lúc sáng sớm để đến chiều tối nhận được, mua bún tươi về là em ăn ngay. Cũng nhiều lần, tự nấu cũng ủ cua như thế nhưng không thể nào ra được cái vị mà người ta hay nói “thôi thối” mà một số người không thể ăn được. Còn những ai đã ăn được thì chắc chắn sẽ ghiện.

Như mình đây, mỗi lần đi ngang khu chợ nhỏ - nơi tập trung bán bún cua nổi tiếng, nghe được mùi thơm nức lòng cùng hương khói bay nghi ngút mà không thể không ghé ăn. Mỗi lần ăn phải từ 2 tô trở lên mới “đã thèm”. Thế nên, bún cua đồng ở Pleiku đặc biệt mà không một tỉnh thành nào có được nên du khách đến Pleiku luôn tò mò và nhất định “phải được ăn bún cua mới rời đi.”

Chiều nay, chị bạn mình người Hà Nội – một trong những người bạn đến Pleiku nhiều lần cũng không thể “từ chối” món ngon đặc trưng riêng này. Nhưng đặc biệt hơn là trong sắc thu vàng, trời nắng nhẹ, gió mát lành, thấm đẫm chút hương vị lạnh của Phố núi ở tầm 22 độ khiến cho tô bún cua càng trở nên ngon đậm đà. Vì trời biết chiều lòng người nên thời tiết như một bản nhạc đồng quê hòa tấu cho tô bún cua càng ngon hơn đối với người đi xa trở về.

Mình đã đi rất nhiều tỉnh thành, thậm chí từng đi cách nửa vòng trái đất cho chuyến công tác xa lạ ở Châu Phi mà hành trang mang theo là nỗi nhớ gia đình, con cái và những món ăn ngon của Pleiku mà trong đó không thể thiếu món bún cua “thối”. Món ăn ấy là một thứ gia vị đầy đủ vị mặn mà, vị thơm của cua đồng, vị béo của da heo chiên giòn và vị dòn dai của măng tươi và đậm tình của người nấu.

Người ta thường nói món ăn ngon hơn nhờ người nấu thổi tình yêu vào ấy, nếu nấu ăn là một nghệ thuật thì người đầu bếp cũng là một nghệ sỹ. Qủa vậy, mình cũng là một người sành nấu ăn nhưng khi nấu bún cua tại nhà không thể nào ra hương vị của khu chợ nhỏ. Đặc biệt, khi ăn bún cua còn kèm thêm các món ăn cùng như chả gói trong lá chuối và nem, kèm theo tỏi ớt cay miệng, mà khi vừa ăn vừa hít hà rất thú vị.

Giờ đây, bún cua không đơn thuần chỉ là một món ăn chơi với người địa phương như mình. Mà nó còn trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong nỗi nhớ nhung của mình mỗi lần đi xa. Món bún cua này cũng trở thành “một thách thức” với những ai “không nghe được mùi, nghe là sờ sợ”. Nên khi ăn vào bún cua còn là món “bún cười” vì mới đầu chưa ăn thì nghĩ “không bao giờ ăn được” nhưng khi đã ăn là ăn từ 2 tô trở lên.

Nên trong sắc thu này, món bún cua của quê mình, mình đặt thêm 1 tên mới là bún cười. Cười của tình bạn, tình anh em lâu ngày gặp lại, cười của cái ăn đã thèm và cười của tô bún được nấu kỹ càng, đậm đà như người Pleiku.

Bạn ơi! Mời bạn đến Phố núi “đầy sương, đi dăm phút đã về chốn cũ” và thưởng thức rất nhiều món ngon của Pleiku, đặc biệt là không thể thiếu món bún cua trong sắc thu này đi ạ.