Nhà đầu tư thua lỗ hàng trăm tỉ đồng

Hôm qua 17.2, cổ phiếu HAG của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chốt phiên vẫn loay hoay quanh mức 11.000 đồng/cổ phiếu. So với cách đây 1 tháng, thị giá của HAG đã bị giảm gần 30%. Không chỉ vậy, lượng cổ phiếu được mua bán cũng sụt giảm gần 30% so với khối lượng giao dịch trung bình trong 10 phiên gần nhất. Như vậy chỉ ước tính với hơn 44 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên giao dịch một tháng trước (ngày 17.1) với giá 15.650 đồng/cổ phiếu thì các nhà đầu tư (NĐT) đã bị thua lỗ gần 200 tỉ đồng.

Ai bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán?: Hủy niêm yết như đánh úp nhà đầu tư - ảnh 1

Các nhà đầu tư rất cần có thông tin chính xác, minh bạch để không bị thiệt hại

Ngọc Thắng

Giá cổ phiếu HAG giảm mạnh gần đây bởi những thông tin đồn đoán xoay quanh việc có thể bị hủy niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sau khi doanh nghiệp này điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính khiến lợi nhuận sau thuế các năm 2017, 2018 và 2019 đều lỗ. Hiện nay dù vẫn chưa có thông tin liên quan việc này nhưng nhiều NĐT mới không dám mua vào khiến thanh khoản đi xuống và giá cổ phiếu cũng chưa thể gượng dậy. Anh Hoàng, một NĐT tại TP.HCM, cho hay với những thông tin như vậy thì anh chọn giải pháp đứng ngoài quan sát dù cũng đánh giá cao về xu hướng hồi phục trở lại của doanh nghiệp. Trong khi đó, hơn 30.000 NĐT đang sở hữu cổ phiếu HAG thì như ngồi trên đống lửa. Bởi khi chưa có câu trả lời rõ ràng từ cơ quan quản lý nhà nước thì câu chuyện bị hủy niêm yết như “án treo” lơ lửng trên đầu họ và khả năng cổ phiếu vẫn tiếp tục sụt giảm.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cho rằng trường hợp cổ phiếu HAG rõ ràng không thể viện dẫn các quy định hiện hành để thực hiện hủy niêm yết. Bởi theo quy định doanh nghiệp chỉ bị hủy niêm yết bắt buộc khi lỗ 3 năm liên tục trước đó. Thế nhưng câu chuyện lỗ đã diễn ra trong quá khứ và năm vừa qua HAG đã có lãi trở lại. Hiện nay đã bước sang năm 2022, nếu HOSE hủy niêm yết cổ phiếu này thì dựa trên quy định nào? Cách nay gần 1 năm khi HAG công bố số liệu tài chính hồi tố, HOSE ra quyết định xử lý ngay thì NĐT còn chấp nhận, nhưng đến nay mới làm thì như “đánh úp” các NĐT mới rót tiền mua cổ phiếu này gần đây, nhất là sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh tốt lên. Quan trọng nhất là HOSE phải sớm công bố xử lý việc này như thế nào để NĐT yên tâm.

Minh bạch thông tin càng sớm càng tốt

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc hồi tố số liệu báo cáo tài chính trên thị trường chứng khoán diễn ra khá thường xuyên và HAG không phải là trường hợp đầu tiên. Thế nhưng thực tế đến nay hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã khởi sắc trở lại, đã thoát lỗ, nên không thể áp dụng quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020 của Chính phủ về việc hủy niêm yết. “Nếu HOSE hủy niêm yết của HAG thì cổ đông có quyền khởi kiện vì không đúng quy định. Hơn nữa, thông tin đã công bố gần cả năm nhưng không có cảnh báo nào về nguy cơ bị hủy niêm yết để NĐT chú ý. Điều này vô hình trung khiến NĐT đã chấp nhận kết quả kinh doanh như doanh nghiệp công bố và rót tiền đầu tư vào HAG. Vì vậy nếu hiện nay HOSE hủy niêm yết HAG thì sẽ làm thiệt hại cho nhiều NĐT cá nhân. Có thể hiện nay HOSE đang lúng túng vì đây là trường hợp chưa có tiền lệ? Tuy nhiên, cơ quan quản lý phải nhanh chóng đưa ra thông tin liên quan để tránh tin đồn phát tán gây hoang mang và thiệt hại cho NĐT nhỏ lẻ. Tình trạng này kéo dài thì không tránh khỏi có những kẻ lợi dụng để dìm giá, thâu tóm cổ phiếu, càng gây thiệt hại cho NĐT nhỏ lẻ”, TS Ngô Trí Long chia sẻ thêm.

TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cũng nhận định thị trường chứng khoán là nơi cần có quy định nghiêm minh và các đơn vị giám sát, thực hiện các quy định đó chặt chẽ, chính xác. Đặc biệt, liên quan đến việc công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết hay cơ quan quản lý nhà nước càng phải thực hiện công khai, chính xác. Việc HOSE ra văn bản cảnh báo hủy niêm yết sai với cổ phiếu QBS đã gây thiệt hại cho NĐT khi giá cổ phiếu lao dốc. Bởi quyết định cảnh báo một cổ phiếu nào đó là với mục đích bảo vệ, giúp NĐT cá nhân có được thông tin chính xác trước khi mua hay bán cổ phiếu. Vì vậy nếu như HOSE trước đây không ra cảnh báo về tình trạng này với HAG thì nay cũng không thể đưa ra quyết định hủy niêm yết vì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các NĐT. Từ đó sẽ khiến niềm tin của NĐT vào sự minh bạch hay quản lý và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán bị sụt giảm mạnh.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Công ty luật Nghiêm và Chính): Theo quy định doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu thua lỗ trong 3 năm liên tục. Như vậy nếu HAG bị thua lỗ các năm 2019 - 2020 - 2021, cổ phiếu sẽ bị buộc rời sàn HOSE thì cổ đông sẽ không thể nào phản đối. Nhưng ở đây năm 2021 đã có lãi thì không thể chiếu theo quy định này bởi tính liên tục không còn nữa. Nếu HOSE ra quyết định niêm yết mà không đúng quy định thì các NĐT bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường.