Đây là một nội dung trong báo cáo của nghiên cứu “Tiềm năng đầu tư nước ngoài vào cơ quan xếp hạng tín dụng trong nước tại Việt Nam” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khi đánh giá về thị trường trái phiếu Việt Nam.
Theo ADB, sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp, thị trường TPDN của Việt Nam đã nở rộ. Các đợt phát hành đã tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 40% từ năm 2012 đến năm 2019 và các đợt phát hành còn tồn đọng lên tới khoảng 11,5% GDP của Việt Nam - cao thứ tư trong ASEAN và nhiều khả năng sẽ còn tăng thêm nữa.
ADB dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 1,8% vào năm 2020 và 6,3% vào năm 2021. Mặc dù thấp hơn so với những năm gần đây, nhưng những triển vọng này là đáng chú ý khi nhiều nền kinh tế đang sa lầy trong các cuộc suy thoái do đại dịch gây ra.
Báo cáo “Tiềm năng đầu tư nước ngoài vào cơ quan xếp hạng tín dụng trong nước tại Việt Nam” của ADB đưa ra nhận định, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 6 của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong 18 tháng vừa qua đã thúc đẩy việc dịch chuyển hoạt động sản xuất sang một số quốc gia lân cận, bao gồm cả Việt Nam.
So với các quốc gia châu Á khác, Việt Nam ứng phó tốt và bị ảnh hưởng ít nhất từ dịch bệnh do COVID-19 gây ra. Mặc dù dự kiến có sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ngắn hạn trong năm 2020, song nền kinh tế VIệt Nam được kỳ vọng sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2021 và giữ vững vị thế là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của khu vực.
Thị trường TPDN của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2017 và lượng phát hành trị giá 12,8 tỷ USD trong năm 2019 đã lớn hơn so với con số của Indonesia và Philippines.
Trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới 94% tổng lượng TPDN phát hành trong năm 2018 và 2019 sau khi có sự nới lỏng các quy định về công bố thông tin và điều kiện phát hành. Tuy nhiên, nếu việc xếp hạng tín nhiệm không được quan tâm đầy đủ sẽ đặt ra những rủi ro đáng kể đối với thị trường trái phiếu và lĩnh vực tài chính, đặc biệt khi các nhà đầu tư riêng lẻ hiện đang sở hữu gần một phần tư tổng lượng trái phiếu phát hành.
Việc thiếu nhu cầu xếp hạng tín nhiệm trong quá khứ luôn là nhân tố hạn chế đối với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước ở Việt Nam.
Nhận thức tầm quan trọng của xấp hạng tín nhiệm, năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cấp phép.
Chính phủ cũng đã hỗ trợ các sự kiện để hướng dẫn thị trường về giá trị của xếp hạng. Tuy nhiên, hiện mới có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước đã được Bộ Tài chính cấp phép (công ty thứ nhất trong năm 2017 và công ty thứ hai vào tháng 3 năm 2020), nhưng cả hai đơn vị này đều chưa hoạt động.
Luật Chứng khoán mới ban hành năm 2019 yêu cầu một số trái phiếu phát hành ra công chúng (nhưng không phải phát hành riêng lẻ) phải được xếp hạng bởi một đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước sẽ có hiệu lực kể từ tháng 1 năm 2021.
Hơn nữa, dự thảo các quy định hướng dẫn thực hiện Luật Chứng khoán mới chỉ đòi hỏi rất ít, nếu không muốn nói là không đòi hỏi, trái phiếu phát hành phải được xếp hạng.
Thị trường Việt Nam không chặt chẽ bằng các thị trường ASEAN khác nơi quy định bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm đối với các trái phiếu phát hành ra công chúng và thường là cả phát hành riêng lẻ trong suốt những năm hình thành trái phiếu.
Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang mong muốn nhìn thấy sự tăng trưởng có trật tự của một thị trường trái phiếu lành mạnh và đã bày tỏ cam kết mạnh mẽ đối với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước. Sự tăng trưởng của thị trường TPDN từ năm 2017 là bền vững.
Một cơ quan xếp hạng địa phương đáng tin cậy là một thành phần quan trọng còn thiếu trong thị trường TPDN đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Nếu có thêm công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu gia nhập thị trường Việt Nam cũng sẽ giúp cho việc giảm thiểu rủi ro cho việc việc gia nhập thị trường.
ADB cho rằng, lý tưởng nhất là sự pha trộn lý tưởng giữa thông lệ tốt toàn cầu với sự hiểu biết địa phương về văn hóa, doanh nghiệp và thực tiễn.
Việc hợp tác kỹ thuật giữa một công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và một đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước sẽ giúp nâng cao uy tín của đơn vị xếp hạng trong nước (thông qua danh tiếng của công ty xếp hạng toàn cầu về các quy trình quản lý và phân tích nghiêm ngặt), dẫn tới sự chấp nhận rộng rãi hơn của thị trường. Càng nhiều trái phiếu được xếp hạng thì bối cảnh kinh doanh sẽ càng rõ ràng hơn.
Chính phủ có thể đặt nền móng thông qua các cải cách thúc đẩy nhu cầu xếp hạng tín nhiệm và thúc đẩy sự phát triển thận trọng của thị trường TPDN.