Tháng 11.2019, khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu lên các băn khoăn, lo ngại về năng lực huy động vốn của ACV - doanh nghiệp được Bộ GTVT đề xuất thực hiện dự án sân bay Long Thành.

Khi đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) từng nêu băn khoăn về năng lực huy động vốn của ACV, đặc biệt với 11 tỉ USD để làm giai đoạn tiếp theo, nếu không thu xếp được có thể chậm tiến độ dự án. 

pho-thu-tuong-yeu-cau-co-ngay-giai-phap-chong-bui-cong-truong-san-bay-long-thanh-1115-1682388684.jpg
Dự kiến ban đầu được giao 3/4 hạng mục dự án sân bay Long Thành, tuy nhiên sau đó ACV được giao hạng mục 3 là các công trình thiết yếu. Đây là hạng mục quan trọng nhất của dự án, song cũng là hạng mục gây chậm tiến độ nhất hiện nay.

Ông Thành cũng đưa ra so sánh tổng mức đầu tư Long Thành cao hơn nhiều so với các sân bay quốc tế khác. Cụ thể, sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) khánh thành năm 2019, thiết kế 7 đường băng, công suất 100 triệu hành khách, 4 triệu tấn hàng hóa, vốn đầu tư chỉ 11,5 tỉ USD. 

Từ ví dụ sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, không thể khẳng định chỉ ACV mới có kinh nghiệm làm sân bay. Việc giao ACV cũng chưa phải là phương án huy động vốn tốt nhất, vì 2/3 nguồn vốn vẫn phải đi vay. Đại biểu này cũng kêu gọi các tập đoàn tư nhân có năng lực hợp tác với nhau, trong đó ACV là hạt nhân để hình thành tổ hợp đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.

Báo cáo gửi Chính phủ của Bộ GTVT cho biết, việc san nền dự án Long Thành mới đạt 71,9 triệu m3 trên tổng số 115 triệu m3, đạt 62,5%. Đường găng của dự án là nhà ga hành khách (gói thầu 5.10) trị giá 35.233 tỉ đồng vẫn chưa rõ tiến độ hoàn thành. 

Sau khi hủy thầu lần 1, tháng 1 vừa qua, ACV phát hành hồ sơ mời thầu lần 2, ấn định đóng thầu vào ngày 28.3. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp này tiếp tục phải gia hạn thời gian mở thầu thêm 1 tháng là sang ngày 28.4. Nếu thành công, tiến độ hoàn thành ít nhất kéo dài tới tháng 12.2026, thay vì cuối năm 2025 như mốc được Quốc hội phê duyệt trước đó.

Vì sao không lập công ty cổ phần?

Thời điểm lập báo cáo khả thi giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành, đơn vị tư vấn đã trình 3 phương án đầu tư và huy động vốn. Theo đó, một trong 3 phương án là ACV cùng với các nhà đầu tư khác thành lập công ty cổ phần để đầu tư, quản lý khai thác (trừ các hạng mục quản lý bay do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đầu tư, các hạng mục ngân sách nhà nước…).

Các nhà đầu tư này có thể là một số tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý, hoặc là các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam, hoặc ACV hợp tác cùng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và nước ngoài…

Tuy nhiên, sau đó ACV là doanh nghiệp duy nhất được lựa chọn để giao thực hiện dự án hạng mục 3 sân bay Long Thành.

Giải trình Quốc hội khi đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã khẳng định ACV có năng lực tài chính lành mạnh, nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền, cũng như có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế với điều kiện vay tốt hơn mức thông thường.

Ông Thể cũng cam kết sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án và cho rằng việc chọn được nhà đầu tư nhanh nhất (ACV - PV) là mấu chốt để khởi công dự án vào năm 2021.

Nhìn nhận tiến độ dự án sân bay Long Thành đang rất chậm, trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng Bộ GTVT cần xem xét rõ trách nhiệm của các bên liên quan như chỉ đạo của Chính phủ.

Nhắc lại những lo lắng cách đây vài năm của các đại biểu trước khi bấm nút thông qua dự án sân bay Long Thành, theo ông Hòa có rất nhiều nguyên nhân khiến dự án này chậm tiến độ, từ mặt bằng, quy mô dự án rất lớn, chọn nhà thầu…

"Chậm tiến độ không phải là câu chuyện mới tại Việt Nam. Hầu hết các công trình giao thông trọng điểm đều chậm tiến độ, "đội" vốn; sân bay Long Thành cũng trong tình trạng này. Song đây là dự án rất lớn, càng chậm tiến độ thì càng ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, hiệu quả kinh tế", ông Hòa nói.

Đại biểu này cũng cho rằng, Bộ GTVT cần nhìn nhận nghiêm túc năng lực của ACV trong quản lý dự án; rút kinh nghiệm trong việc giao thầu, chỉ định thầu trong những dự án quan trọng, không để lặp lại tình trạng tương tự như với dự án sân bay Long Thành.

Với những công trình lớn như Long Thành, theo ông Hòa, vai trò và năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu càng đặc biệt quan trọng. ACV có nhiều kinh nghiệm làm sân bay, song cần huy động thêm các nhà đầu tư khác kể cả trong nước và quốc tế để đảm nhận vai trò đầu tư, quản lý một dự án quy mô rất lớn, đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công.

"Truy rõ địa chỉ trách nhiệm do ai, do bên nào khiến dự án chậm tiến độ là việc cần làm. Đây là dự án trọng điểm, Thủ tướng rất quan tâm, sâu sát chỉ đạo tiến độ. Ngoài việc truy rõ trách nhiệm, cần có các giải pháp bổ sung năng lực cho ACV và các giải pháp cụ thể tháo gỡ từng vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án, không thể để chậm trễ như hiện nay", ông Hòa nói.