5 họa sĩ 3 miền cùng “Gặp gỡ mùa Thu”

Triển lãm nhóm “Gặp Gỡ Mùa Thu” của các họa sĩ: Ngô Đăng Hiệp, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Hà Văn Chúc, Đoàn Tuyên, Trần Trọng Đạt sẽ khai mạc lúc 9h00 ngày 20/9, kéo dài đến hết 26/9/2024. Triển lãm sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM). Giám tuyển là nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi

cac-hoa-si-1726397876.JPG

Các họa sĩ từ trái qua: Đoàn Tuyên, Hà Văn Chúc, Ngô Đăng Hiệp, Trần Trọng Đạt, Nguyễn Thị Ngọc Ánh

Cuộc triển lãm mang tên Gặp gỡ mùa Thu của 4 họa sĩ tuổi ngoài 40 và một họa sĩ - người thầy của họ là họa sĩ Ngô Đăng Hiệp - ngoài 60 như là một sự tình cờ thú vị với những điều khá khác biệt, không chỉ về sắc màu, thời gian mà còn cả không gian, ở nhiều cảm xúc tinh tế mà mỗi người trong họ tự hiểu và nhận ra chứ không cần diễn đạt thành lời.

Thật ra, chẳng có gì lạ khi sự hội tụ này không phải là ngẫu nhiên, mà nó xuất phát từ những hồi ức, kỷ niệm của những năm tháng đã trải qua của họ từ ngôi trường sư phạm danh tiếng ở một thành phố biển miền Trung, khi ấy họa sĩ Ngô Đăng Hiệp là giảng viên, còn 4 người trong nhóm là sinh viên của một khóa sư phạm mỹ thuật. Ra trường, 4 anh em sống và làm việc ở nhiều vùng miền xa nhau với cuộc sống có bao điều cần suy nghĩ, lo toan, nhưng sự đam mê sáng tạo thì vẫn luôn cháy bỏng trong mỗi người và rồi ý tưởng gặp nhau trong triển lãm này thực sự là một sự tụ hội sắc màu của thầy và trò đầy cảm xúc.

nhung-dua-con-cua-me-cua-hs-ngoc-anh-1726398002.jpg
Tác phẩm "Những đứa con của mẹ" của họa sĩ Ngọc Anh

PGS-TS Phan Thanh Bình (Trường Đại học Nghệ thuật Huế) nhận định: “Là triển lãm của nhóm 5 họa sĩ thuộc hai thế hệ, nhưng họ không làm cho công chúng quá chú ý về khoảng cách tuổi nghề, bởi họ gắn kết từ những điểm chung của sự say nghề với những cảm xúc dạt dào không dấu kín. Tranh của họ rất khác nhau ở sắc màu với những nét mỹ cảm riêng lắng đọng và không khó để nhận diện mỗi người trong đó. Hơn nữa, mỗi người là một hướng đi, mỗi âm sắc, bút pháp và sự khác biệt, điều đó cho thấy những tìm kiếm sáng tạo là trăn trở, khắc khoải của cả cuộc đời để không dẫm theo lối mòn sẵn có nào đó. Tranh của Ngô Đăng Hiệp sau bao năm tháng đã định hình theo phong cách của anh, với sự trong trẻo, nền nã, tận tâm trong sáng tạo. Tranh của Đoàn Tuyên, Trọng Đạt, Hà Văn Chúc, Nguyễn Thị Ngọc Ánh vừa có những sự gần nhau ở tư duy khám phá, sự mạnh bạo có phần quyết liệt, vừa có cả sự rụt rè, ẩn mình trong mỗi nét mảng hình sắc đang trên đường tìm kiếm và khẳng định. Chính điều đó làm cho phòng tranh trở nên rất gần gũi, chân tình và có cả sự khiêm nhường của những người luôn tự tin vươn về phía trước”.

Trên con đường học hỏi về cái đẹp, định mệnh đưa đẩy họ đã gặp nhau, sau một quãng thời gian dành cho cuộc sống mưu sinh, năm nay thầy và trò quyết định tổ chức một cuộc triển lãm nói lên nhân duyên của họ và lấy tên Gặp gỡ mùa Thu

Về tác phẩm của 5 họa sĩ, giám tuyển Ngô Kim Khôi nhận định:

“Ngôn ngữ hội họa của Ngô Đăng Hiệp là sự rực rỡ của sắc màu. Ngắm tranh của Hiệp, điều đầu tiên đập vào mắt của chúng ta là ngàn tia lóng lánh mà nơi đó màu nóng lên ngôi. Chúng ta cảm thấy con tim rạo rực hòa bản đồng ca hạnh phúc trước Bến Xuân tràn ngập cỏ hoa, đưa chúng ta về nơi chốn có những giấc mơ tươi đẹp bình yên của mùa Thu mơ màng trong ánh vàng óng ả, Chiều trung du với màu đất ửng đỏ vào buổi hoàng hôn, đâu đây tiếng sáo diều hòa mình trong ánh tà dương, hoặc Ngô đồng trổ hoa vươn mình trong sắc vàng bảng lảng, để nghe tiếng thơ "Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi… Thu mênh mông"…

len-nuong-ngo-d-hiep-1726398102.JPG
Tác phẩm "Lên Nương" họa của Ngô Đăng Hiệp

Nếu có những tác phẩm mà Hiệp dùng chủ đạo là màu lạnh, xanh dương, lá cây, hay tím hoa cà ửng hồng…, thì chúng ta vẫn thấy bàng bạc niềm vui nhuốm chút bâng khuâng như trong Suối mai, lãng đãng lắng xuống lòng cái yên bình của Đêm Xuân… Mỗi tác phẩm của Ngô Đăng Hiệp là sự độc thoại với chính mình, khám phá những sâu kín trong tâm tưởng…”

“Nguyễn Thị Ngọc Ánh là đóa hoa hồng duy nhất trong nhóm. Đứng trước tác phẩm của Ngọc Ánh, chúng ta nhận ra ngay nữ tính tràn ngập trong tranh, từ nét vẽ, màu sắc cũng như bố cục. Phảng phất đâu đây là sự nhẹ nhàng, thoáng chút yểu điệu, ngay cả những điểm nhấn cũng vương vấn nét đài trang, như trong Giấc ngủ trưa có màu xanh ngọc kia, lưng chừng giữa lam và lục, mang đến hiệu ứng êm đềm của một khung trời bình yên mà ngay cả đóa hoa chợt rực đỏ cũng chỉ duyên dáng nép mình điểm xuyết cho không gian của giấc mơ dịu ngọt. Và chúng ta cũng tìm thấy màu xanh ngọc như nhung ấy trong Bên kia ô cửa hoặc Heo may…, nói lên một ước mơ bay lên cao trong một hạnh phúc đời thường gần gũi, nhỏ bé nhưng đẹp lạ thường.

giac-ngu-trua-cua-hs-ngoc-anh-1726398151.JPG
Tác phẩm "Giấc ngủ trưa" của họa sĩ Ngọc Anh

Đức tính làm mẹ và thiên chức gia đình cũng thể hiện rõ ràng trong tác phẩm Gia đình tôi mà sắc tím nồng nàn tỏa ra hương vị ngọt ngào, chất chứa lòng khao khát hạnh phúc cho con, cũng như cho tất cả những người con trong thế giới này, lớn lên sẽ có được cuộc sống ngát hương hoa, được yêu thương trân trọng. Đâu đây ta còn thấy ẩn dụ trong Mẹ ơi con đói, hoặc Những đứa con của mẹ, rằng trong bất cứ thế giới nào, trong hoàn cảnh nào, tình mẹ cũng tự nhiên bát ngát tràn đầy tính hy sinh, sự yêu thương và lòng bao dung muôn thuở…”.

“Bầu trời của Trần Trọng Đạt là những kỷ niệm chập chùng trong tâm tưởng, ùa về đan xen nhau bằng ngôn ngữ của màu sắc. Những bóng dáng tưởng chừng xa lắm nay bỗng qua nét cọ trở về trên tranh, và hiện rõ cùng một lúc câu cười tiếng nói của quá khứ, như trong tác phẩm Gặp gỡ mùa Thu, diễn tả cảm xúc của những gương mặt thầy trò ngày xưa thân ái, là cả một khung trời kỷ niệm và tình cảm thắm thiết học đường. Đây cũng chính là tiêu đề của buổi triển lãm.

nguyen-cau-tran-t-dat-1726398239.jpg
Tác phẩm "Nguyện Cầu" của họa sĩ Trần Trọng Đạt

Phong cảnh trong tranh của Đạt là những nơi chốn đi qua, vô tình để lại dấu ấn trong tâm tưởng, rồi trong một khoảnh khắc nào đó lại trở về trên tranh, Thảo cầm viên một lần dạo bước, Dưới ánh trăng trong chuyến viễn du, hay gió hiu hiu thổi Trước nhà, làm xào xạc hàng dừa trong nắng ấm, và đâu đâu rộn ràng tiếng nhạc của những điệu múa hân hoan trong một Festival Hạ Long, mà âm thanh ấy làm hân hoan cả những cánh buồm tung gió ngoài khơi xa…

Chỉ là những bình dị thường gặp trong cuộc sống, nhưng thiết tha gần gũi, đôi khi đẹp như trong một giấc mơ Trái ngọt, rực rỡ Bình hoa giữa không gian ngát xanh, hay lung linh nắng dọi xuống Tĩnh vật”.

“Trong sự êm đềm tĩnh lặng, tranh của Hà Văn Chúc lưu luyến trải dài miền đất đi qua, tràn đầy tính giản dị mà thấm thía, diễn tả bằng màu sắc nhẹ nhàng. Những miền đất ấy có thể là vùng đất lạ nhưng từ nơi đó đã gieo duyên gặp gỡ. "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn", phải chăng vì nơi ấy có em? Nơi ấy là Phong cảnh Đơn Dương trùng trùng ngàn thông reo trong gió, trong tiếng thác đổ còn thấp thoáng bóng dáng kiều nữ Tắm trong Đêm trăng diễm ảo, để khi chợt nhìn thấy lòng ta bỗng hụt hẫng bỏ lỡ nhịp tim mà thảng thốn kêu lên "Ô kìa! bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe...". Nơi miền đất ấy, trên các triền đồi trong bóng hoàng hôn đẫm sương, ánh Trăng chiều bẽn lẽn chiếu vàng những đóa dã quỳ nép mình bên nhau, bịn rịn như tấm lòng người em gái quấn quýt bước chân lữ khách mà chỉ vì "Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương".

hoa-xuyen-chi-proh-ha-van-chuc-1726398289.JPG
Tác phẩm "Hoa Xuyến Chi Proh" của họa sĩ Hà Văn Chúc

“Thế giới hội họa của Đoàn Tuyên là những khung trời muôn ngàn màu sắc. Bảng màu của Tuyên rực rỡ nói lên cõi lòng tươi sáng, trong veo như bầu trời xanh Dưới chân núi, những tường nhà hắt lên ánh nắng vàng rộn rã. Đó là góc phố vắng, Ngõ xưa, mỗi hàng cây, con đường reo ca bản nhạc vui của buổi bình minh sáng chói. Dù là Cảnh quê bình dị có người em gái ngồi làm việc trước nhà, cũng tỏa ra hương vị hạnh phúc bên ao nhỏ sắc trời lóng lánh… Trong không khí lặng lẽ của Phố bên sông vẳng lên nhịp đàn hài hòa với lời ca của màu sắc, hay khu nhà trong ký ức có Phố cuối chiều, những bức tường hồng cánh sen chen lẫn vàng hoàng hậu hay xanh ngọc bích…

huyen-tich-song-xua-doan-tuyen-1726398536.jpg
Tác phẩm "Huyền Tích Sông Xưa" của họa sĩ Đoàn Tuyên

Trong tranh của Tuyên chúng ta không tìm thấy nỗi buồn, tuy nhiên thỉnh thoảng cũng thoáng chốc man mác trong cái tĩnh lặng thân thương ẩn chứa đằng sau những màu sắc rạng ngời tươi sáng…”.

Quan niệm sáng tác của 5 họa sĩ:

Đoàn Tuyên (1976, Hải Phòng): “Tôi nghĩ, mỗi bức tranh là sự trải nghiệm suy tư trăn trở, khát khao hay cảm nhận, rung động của người họa sĩ. Vì thế đứng trước một tác phẩm hội họa, ta cảm nhận được những điều họa sĩ muốn gửi gắm, cảm nhận được tình cảm, sự rung động trong tâm hồn và cả trình độ, sự sáng tạo, tìm tòi của người hoạ sĩ qua cách thể hiện.

Với tôi, được vẽ tranh là điều mong muốn, khát khao, nhưng bởi hiện tại những lo toan của cuộc sống đang cuốn mình đi, chưa cho phép tôi được tắm mình trong giấc mơ với nghệ thuật! Vì thế, mỗi khi có dịp được dứt mình ra để vẽ tôi cảm thấy như được tìm về thế giới riêng của mình đầy cảm xúc! Và những lúc như thế tôi hoàn thiện bức tranh rất nhanh đạt ý.

Con đường của một họa sĩ: Tôi không nghĩ nhiều đến điều này, bởi tôi nghĩ, mỗi người họa sĩ sẽ tìm cho mình một hướng đi tốt nhất, cảm thấy thoải mái và yêu thích nhất để thể hiện những điều mình ấp ủ, miễn là tự cảm thấy hài lòng về điều đó! Tôi sẽ vẽ đến khi mình còn thấy yêu thích, đam mê! Vì thế việc là họa sĩ nghiệp dư hoặc trở thành chuyên nghiệp cũng không là điều quá quan trọng!”

Hà Văn Chúc (1976, Thanh Hóa): “Theo tôi, khi xem tranh có nhiều cách tiếp cận, vì có nhiều khuynh hướng khác nhau, cổ điển, hiện thực, lãng mạn, ấn tượng, vị lai, trừu tượng, siêu thưc..., có tranh nhìn là hiểu, có tranh xem lâu mới hiểu, có tranh có nhiều chiều kích, mỗi người cảm nhận khác nhau... Hội họa muôn màu muôn vẻ, thú vị vô cùng.

Tôi vẽ không quá khó, song cũng không mấy khi hài lòng, nên hay nhìn ngắm, ngẫm ngợi, chỉnh sửa, bôi xóa..., hôm nay hài lòng có khi mai mốt lại không. Tôi vẽ để thỏa mãn sở thích của mình, tôi hay vẽ phụ nữ, vì tôi thích sự mềm mại, duyên dáng, đáng yêu của họ và vì sự hấp dẫn giới tính nữa.

Tôi không mấy thích thú khi ai đó gọi mình là họa sĩ, càng chẳng bao giờ xưng: tôi là họa sĩ. Tôi không ưng các tuyên ngôn, tuyên bố này nọ, nó quá to tát sang trọng, xa ngái với một kẻ quê mùa như tôi. Nhưng tôi thích vẽ, vì ngoài gia đình và rất ít bạn bè, được vẽ làm tôi hạnh phúc”.

Nguyễn Thị Ngọc Ánh (1977, Quảng Bình): “Trước đây, tôi luôn tự nói với mình, sau này, khi về già, khi có nhiều thời gian riêng cho mình hơn, mình sẽ vẽ! Nhưng, những người bạn luôn động viên, nếu bạn có niềm yêu thích, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, đừng chờ đợi!

Trước khi vẽ, tôi luôn băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu, hoặc chưa biết nên vẽ về chủ đề gì. Khi bắt tay vào vẽ, tôi cứ để cảm xúc dẫn đường. Từ khi bắt đầu có phác thảo đến khi kết thúc mỗi tác phẩm tôi thường vẽ khá nhanh, không quá trau chuốt về hình và màu, tôi tập trung vào cảm xúc của mình và lấy nó làm yếu tố chính để thể hiện.

Để trở thành họa sĩ chuyên nghiệp thật sự không dễ dàng bởi nhiều yếu tố ảnh hưởng đến con đường của họa sĩ như lòng yêu nghề, sự đón nhận của người xem tranh, và cả vấn đề kinh tế. Nếu một họa sĩ có đủ các yếu tố đó, họ thật sự hạnh phúc, bởi sống được với niềm đam mê của mình và mang lại niềm yêu thích cho người khác thông qua tác phẩm của mình. Để thực hiện niềm đam mê, hãy bắt tay vào công việc, đừng chờ khi có thời gian, hãy vẽ những gì chạm đến cảm xúc của mình, những gì thuộc về con người mình, nói lên quan điểm nghệ thuật - cuộc sống của mình. Mọi sự thành công hay không, hãy để thời gian và người xem cảm nhận, đánh giá”.

Ngô Đăng Hiệp (1962, Đà Nẵng): “Tranh chính là người. Khi xem tranh cần chú ý đến tinh thần của tác phẩm. Đó là tâm hồn của tác giả bàng bạc trong từng nét bút, chấm màu.

Tôi vẽ tranh rất chậm, từ một đến vài tháng mới xong một bức. Nhưng cũng có khi vài năm sau, tôi vẫn tiếp tục sửa nếu phát hiện ra yếu tố nào đó chưa vừa lòng.

Với tôi, con đường của hoạ sĩ là con đường hạnh phúc. Hoạ sĩ như người hướng đạo, đưa mọi người đi đến những bến bờ an, vui”.

Trần Trọng Đạt (1976, Hà Nội): “Với tôi, điều đầu tiên khi nhìn vào một tác phẩm, màu sắc phải hấp dẫn - ấn tượng. Tiếp đến sẽ là hình mảng, ý tứ tác phẩm, kỹ thuật chuyển tải thông tin điêu luyện hoặc không? Cuối cùng bức tranh đó phải hài hòa từ màu sắc, bố cục, mảng miếng, đường nét... phù hợp với nội dung đề tài đặt ra.

Tôi luôn đặt cảm xúc lên cao nhất, chính vì vậy tôi vẽ nhanh, khi vẽ giống như ta đang chơi với ngôn ngữ (tạo hình, hội họa…) và được vẽ tôi thấy rất vui, vì được chơi, rất thỏa mái.

Không có con đường khai hoang nào là bằng phẳng. Tôi rất thích một câu nói mới đọc trên mạng: Nếu bạn làm một việc bạn thích, không cần người khác thúc ép, mà vẫn làm bằng lòng đam mê. Nhưng tầm nhìn sẽ đưa bạn đi đến cuối con đường đã chọn... Cuối cùng, nếu bán được tranh, tôi sẽ dễ dàng thực hiện đam mê và ước mơ của riêng mình”.