images-2-1624791616-width698height391-1624799386.jpg

Giai đoạn 1: Ảo tưởng về thị trường và khả năng thành công

Hầu hết mọi người khi mới bắt đầu chơi chứng đều lựa chọn phương pháp phân tích kỹ thuật làm để giao dịch trên thị trường và cho rằng chứng khoán thật sự không khó lắm. Nhất là với những ai mới bước vào thị trường khi nghe mấy “ông thần chém gió” nói chứng khoán dễ chơi, đặt lệnh theo họ là ăn hoặc kiểu kiểu như: “Bạn đi làm như vậy biết bao giờ mới đủ tiền xây nhà, cưới vợ thấy ông ABC, XYZ gì đó không? Chơi chứng khoán 2 năm là nhà lầu, xe hơi rồi đó !!!”.

Thế là bắt đầu về nhà tìm hiểu thử, rồi học những khóa học đầu tư cơ bản hoặc có thể tự tìm hiểu ở nhà khi trên mạng đầy những kiến thức về phân tích kỹ thuật. Hỗ trợ, kháng cự, trendline, các thế nến, mô hình giá…là những điều cơ bản nhất mà người mới bắt đầu tham gia rất háo hức, cứ như họ vừa mới khám phá ra bí quyết làm giàu vô cùng kỳ diệu. Học thấy cũng dễ hiểu, nhìn ví dụ họ lấy thì chính xác quá, nghĩ kiểu này làm giàu nhanh thôi.

Mọi việc đều rất thuận lợi và trạng thái ham học, cực kỳ hưng phấn khi luôn muốn xem chart áp dụng những kiến thức mới học của mình vào đó. Rồi đi đâu gặp ai nói chuyện về chứng khoán hay cổ phiếu cũng muốn tham gia và tỏ ra mình là người hiểu biết.

Giai đoạn 2: Vỡ mộng với chứng khoán và nảy sinh cảm giác hận thù

Đây sẽ là giai đoạn tiếp theo mà nhà đầu tư trải qua, sau khi kết thúc giai đoạn 1 chúng ta sẽ lập một tài khoản cho riêng mình và chính thức trở thành nhà đầu tư. Một vài lệnh ban đầu có thể thắng và bạn lại càng “coi trời bằng vung”.

Tôi thấy điều này rất giống với những sinh viên năm nhất khi vào đại học rất tự hào vì điểm thi đại học của mình nằm trong top và nghĩ cuộc sống đại học chắc sướng lắm do đâu có phải ngày nào cũng đi học và được nghe những anh chị khóa trên nói ráng học đi vô đại học nhàn lắm. Nhưng thực sự có như vậy?

Quay trở lại việc đầu tư, sau một vài lệnh thắng đó sẽ là lệnh thua 1, lệnh thua 2, lệnh thua 3 và bạn quay cuồng không biết vì sao lại như vậy, rõ ràng đã áp dụng đúng kiến thức sách vở rồi mà? Và rồi chúng ta lại đi tìm những kiến thức mới, học khóa học mới, một hệ thống mới và áp dụng ngay lập tức.

Mọi thứ rất vội vàng, hệ thống sai lệnh tiếp theo bạn lại bỏ và đi tìm phương pháp khác. Cứ như vậy, khối lượng giao dịch ngày một tăng lên và bạn không có thời gian để tìm hiểu kỹ về phương pháp của mình. Bạn bỏ ngoài tai những lời khuyên của những tiền bối và cố chấp tin rằng mình không sai và không cần ai phải chỉ dạy. Chỉ đến khi cháy tài khoản bởi lệnh thua thứ n và thua lỗ nặng nề đến lúc này sẽ có hai trường hợp.

– Trường hợp 1: Cảm giác hận thù nảy sinh trong lòng, tức giận với mọi người và đặc biệt là những người chỉ dạy kiến thức cho bạn. Chán nản, càng đánh càng thua là tâm trạng của bạn lúc này. Đặt lệnh bừa bãi, chơi kiểu không còn gì để mất và cuối cùng nướng sạch vào chứng khoán. Đa số nhà đầu tư mới sẽ bỏ cuộc tại đây.

– Trường hợp 2: Đã tỉnh mộng và biết được sự khắc nghiệt của thị trường này, bạn dần đồng cảm với nó và nhận thấy những sai lầm của mình và bắt đầu sửa chữa nó. Những ai hiểu được cảm giác này sẽ bước sang giai đoạn 3 còn những ai nóng giận và hận thù sẽ mãi mãi dừng tại đây hoặc đến khi nào họ hiểu ra được vấn đề.

Giai đoạn 3: Bớt nóng vội và bình tĩnh hơn nhưng vẫn thua lỗ

Những ai đã vượt qua giai đoạn 2 và chấp nhận sự thật kiếm tiền từ thị trường này không dễ dàng tí nào sẽ bước tiếp sang giai đoạn 3. Khi đó bạn sẽ bình tĩnh và cẩn thận hơn trong từng hành động của mình, không giao dịch bừa bãi như trước nữa. Đi tìm cho mình một hệ thống hoàn chỉnh là tuân theo nó là nhiệm vụ của chúng ta lúc này. Nhưng đó có phải là điều dễ dàng?

Không hề nhé, sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức. Và khi tìm ra hệ thống phù hợp với bản thân sẽ là đến lúc bạn áp dụng nó vào thị trường, dần dần cảm thấy mọi chuyện ổn định trở lại. Nhưng kết quả vẫn chưa được như bạn mong muốn, lệnh thua vẫn nhiều hơn lệnh thắng và vẫn còn nhiều sai sót trong việc lựa chọn thời điểm giao dịch. Giai đoạn này mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn thua lỗ và điều này là chuyện bình thường.

Sẽ có nhiều người bỏ cuộc tại đây khi quá chán nản và dần cạn kiệt niềm tin vào thị trường. Nếu ai đang trong giai đoạn này, lời khuyên của tôi là hãy cứ tiếp tục tin tưởng vào hệ thống của mình và hoàn thiện nó hơn chứ không nên tiếp tục tìm kiếm điều gì đó mới mẻ. Không nên nghe mọi người nói rằng phương pháp này hay lắm đánh đâu thắng đó hoặc cố gắng bắt đáy, đỉnh vì đây là điều rất khó khăn.

Cũng giống như việc tìm "chén thánh" vậy, nghe nói rất nhiều nhưng chưa có ai dám chắc 100% hệ thống của mình là "chén thánh", áp dụng đúng với mọi người, mọi trường hợp cả. Bởi vì sao? Vì mỗi người có một phong cách giao dịch riêng, một suy nghĩ riêng và tâm lý khác biệt, không ai giống ai cả.

Những phương pháp như đầu tư giá trị, Market Profile, sóng Elliott, Ichimoku, Bollinger bands, RSI...và còn rất nhiều phương pháp khác nữa nhưng có ai giỏi tất cả chúng đâu. Vì vậy đừng cố gắng phái biết mọi "món" như thế mà hãy cố gắng luyện tập nâng cao trình độ của mình vào hệ thống bạn cho là phù hợp nhất với bản thân.

Giai đoạn 4: Dần hoàn thiện phương pháp và tâm lý giao dịch

Anh em nào đến được giai đoạn này thì tôi xin chúc mừng, bởi vì đã hơn được rất nhiều người rồi. Và khi đã đến bước này, tôi tin anh em đều là những người kiên trì, biết tiếp thu và học hỏi, điều này rất quan trọng đối với một nhà đầu tư. Trong giai đoạn này, chúng ta không phải những "ma mới" của thị trường nữa, không dễ để bị lừa gạt và tâm lý giao dịch cũng được nâng lên đáng kể trước sự khắc nghiệt của thị trường.

Và đáng mừng đến lúc này bạn sẽ không thua lỗ nữa, ít nhất là như vậy trước khi muốn nghĩ đến việc làm giàu. Tin tưởng vào hệ thống, phương pháp giao dịch của mình, không nóng vội vào lệnh và một khi quyết định sẽ chấp nhận cho dù kết quả có như thế nào.

Nói chung bạn có thể cân đối được tài khoản của mình và không bị thiệt hại gì quá đáng kể như trong những giai đoạn trước. Luôn tuân theo kế hoạch đặt ra, không phá vỡ nó dù thắng hay thua và hướng đến việc thu lợi nhuận cho mình mỗi tuần, mỗi tháng dù có thể chỉ là một khoản nhỏ thôi nhưng đó là điều rất đáng mừng bởi bạn đang đi đúng hướng và trình độ của bạn ngày càng cao siêu hơn.

Anh em nào đang trong giai đoạn này, tôi nghĩ điều cần làm là không thay đổi gì nữa chỉ cần duy trì nó và để thời gian trên thị trường sẽ cho chúng ta kinh nghiệm, điều còn thiếu của một nhà đầu tư lão luyện.

Giai đoạn 5: Tu thành chánh quả và thấy thị trường màu hồng trở lại

Đây là giai đoạn cuối cùng mà một nhà đầu tư thành công phải trải qua. Giai đoạn này tuy là cuối cùng nhưng cũng là dễ chịu nhất trong số 5 giai đoạn. Vì sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì ai đã trải qua "4 kiếp nạn" kia rồi, chịu bao nhiêu đắng cay, khổ cực và tiền bạc, công sức bỏ ra thì việc tu thành chánh quả không phải là điều dễ chịu và xứng đáng nhất để mọi anh em hướng đến hay sao?

Khi đến được bước này, đầu tư giống như là một khả năng trong vô thức của bạn rồi giống như việc cầm bút để viết vậy, mọi việc đều rất tự nhiên và thoái mái như thể bạn nắm bắt được thị trường này vậy. Biết khi nào nên tham gia, khi nào nên đứng ngoài và thời điểm thích hợp để vào lệnh là những điều mà chắc chắn những điều này người mới không thể biết được.

Hệ thống, phuong pháp đã hoàn chỉnh, kinh nghiệm đã có đủ để bạn biết nên làm gì trong trường hợp này, lợi nhuận lúc này chắc chắn sẽ tăng lên rồi và tôi chắc chắn khi anh em nào đến được giai đoạn này sẽ lấy lại được tất cả những gì đã mất trước kia và thậm chí còn hơn rất nhiều lần.

Nhiều người sẽ ngưỡng mộ, học hỏi và muốn bạn cho lời khuyên về thị trường, đây đều là những điều hoàn toàn xứng đáng bởi những gì đã trải qua. Điều cần làm lúc này là hãy duy trì nó, vẫn tuân theo kế hoạch và hưởng thụ thành quả mình đã tạo ra.

(Sưu tầm)