tai chinh ca nhan anh 1

Khoảng thời gian từ 20 - 30 tuổi là lúc nhiều người dần độc lập về tài chính, nhưng chưa đặ nặng trách nhiệm chu cấp cho gia đình. Đây là thời điểm chúng ta có cơ hội học, thử, thành công và thất bại với việc sử dụng tiền.

5 bạn trẻ dưới đây cũng từng trải qua khó khăn trong vấn đề quản lý thu nhập. Đến ngưỡng cửa 30, họ nhìn lại và có những bài học riêng.

Chuyện của tôi

Năm 22 tuổi tôi đã bắt đầu làm ra tiền và kiếm được khá nhiều từ công việc Account. Có thể xem đây là một cột mốc trong đời. Do đó, tôi đầu tư thay đổi bản thân toàn diện: mua xe mới, làm tóc thường xuyên, sắm sửa trang phục đi làm, hẹn hò bạn bè, học Anh văn.

Đặc biệt, tôi chi không ít tiền cho những chuyến du lịch để thỏa mãn đam mê khám phá. Tôi đi du lịch hầu hết mỗi cuối tuần và hiếm khi ở nhà.

Rồi, tôi vay vốn ngân hàng để đầu tư mở quán cà phê. Để vận hành tốt, tôi buộc phải quan tâm đến doanh thu, chi phí, lợi nhuận.

Điều này lâu dần ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen quản lý tài chính của tôi.

Tôi nhận ra

Chỉ cần học cách thống kê chi tiêu theo tuần, tháng, năm và đề ra mục tiêu minh bạch, đồng tiền của mình sẽ được chi tiêu đúng cách.

Ước gì

Ước gì tôi quan tâm các vấn đề đầu tư từ sớm để không lãng phí thu nhập suốt 10 năm đi làm.

Nhiều người cho rằng quản lý tài chính cá nhân đồng nghĩa với tiết kiệm. Về phần tôi, tôi cho phép bản thân tiêu tiền, miễn là trong khuôn khổ, có mục tiêu và để "tiền sinh ra tiền".

Chuyện của tôi

Tôi sống cùng gia đình từ bé đến lớn. Vì không lo lắng quá nhiều về tiền bạc nên tôi xem việc tạo ra thu nhập không quan trọng bằng thử nhiều lĩnh vực, tìm ra đam mê.

Trong vòng 8 năm, tôi nhảy việc 10 lần, xen kẽ là những tháng thất nghiệp, không có thu nhập. Đến khi tôi nhận ra sự sai lầm của mình thì quỹ cá nhân đã khánh kiệt.

Tôi dành nhiều thời gian hơn để điều chỉnh cách sống trong 3 năm gần đây. Tiền tôi có hàng tháng được chia thành nhiều phần: phần đầu tư vào kiến thức, bản thân, phần dành cho nhà thờ và hỗ trợ gia đình, phần đóng góp công tác xã hội.

Ngoài ra, tôi cũng chuẩn bị khoản tiết kiệm nhỏ hàng tháng để cưới vợ.

Tôi nhận ra

Sử dụng có tính toán từ khoản tiền nhỏ nhất sẽ hạn chế việc tiêu xài quá độ.

Để chuẩn bị cho hôn lễ, tôi và vợ đã lên kế hoạch từng khoản chi cần thiết với số tiền cụ thể. Mỗi tháng, chúng tôi dành ra một phần thu nhập của cả hai để góp vào quỹ chung.

Ước gì

Tôi nhận ra việc quản lý tài chính tốt không chỉ có ích cho bản thân mà còn thể hiện trách nhiệm của mình với người xung quanh.

Thay vì thử thách ở nhiều lĩnh vực, tôi ước gì thời trẻ mình suy nghĩ thấu đáo hơn, tập trung vào một công việc nhất định và cân nhắc kỹ trước mỗi quyết định đưa ra. Kể cả chi tiêu.

Chuyện của tôi

Lúc mới đi làm, tôi lập kế hoạch chia lương theo tỷ lệ: 50% tiết kiệm và bảo hiểm, 30% phụ giúp gia đình và 20% cho chi phí cá nhân như mua sắm, gặp gỡ bạn bè.

Dù vậy, chỉ một thời gian sau, tôi gặp khó khăn khi cân đối các khoản trên. Thu nhập càng cao, tôi càng thoải mái chi cho mỹ phẩm, thời trang và tiệc tùng. Đến nỗi phải lấy tiền từ mục tiết kiệm để bù vào.

Tôi nhận ra

Đầu năm nay, cột mốc bước sang tuổi 29 khiến tôi phải suy nghĩ nhiều về tài chính cá nhân. Dù đã gần 30 tuổi, tài khoản tiết kiệm của tôi vẫn không dư dả.

Nhìn lại những món đồ mình đã mua, thực tế, tôi sử dụng chúng không quá 2 lần.

Ước gì

Bài học của tôi: Lập kế hoạch là tốt. Nhưng để thực hiện kế hoạch lâu dài cần sự kỷ luật của bản thân.

Phải chi tôi tập ghi lại các khoản chi để kiểm soát dòng tiền sớm hơn. Đồng thời cân nhắc mức độ cần thiết trước khi tiêu xài.

Chuyện của tôi

Thực ra, tôi nghĩ mình không phải là người quản lý tài chính tốt. Quan niệm về tiền của tôi từ trước đến nay chỉ có một: Nếu muốn đạt được điều gì đó, như mua một căn nhà, bạn sẽ phải tìm cách tăng thu nhập thay vì tích lũy.

Với quan niệm này, tôi thuộc tuýp người sống hưởng thụ. Ở mỗi thời điểm, tùy theo khả năng kiếm tiền của tôi, mà những khoản chi sẽ khác nhau.

Tôi nhận ra

Tất nhiên, tôi cũng gặp một số biến cố và rắc rối từ việc thiếu tiết kiệm.

Khi chỉ chạy theo nhu cầu, tôi hầu như không trù bị cho những trường hợp bất ngờ như bệnh tật, giảm thu nhập.

Sau tất cả, tôi nhận ra tích lũy là cần thiết vì chúng ta không thể biết ngày mai điều gì sẽ xảy ra.

Ước gì

Tôi ước mình biết tài chính của mình sẽ có lúc thay đổi thất thường. Hôm nay tôi dư tiền chi trả mọi thứ mình muốn, không có nghĩa ngày mai vẫn như vậy.

Hiện tại, tôi bắt đầu tập quản lý chi tiêu từ những bước nhỏ. Mỗi ngày, tôi cho phép mình chỉ được dùng tối đa 500.000 đồng. Tôi cũng đang tìm hiểu các khoản đầu tư để tạo thu nhập thụ động.

Chuyện của tôi

Tôi có thu nhập từ rất sớm nhờ công việc dạy ngoại ngữ từ lúc còn sinh viên. Số tiền kiếm được tuy không nhiều nhưng cũng đủ để tôi mua quần áo, đồng hồ và đi du lịch một năm 3,4 lần.

Với tôi, những món đồ đắt tiền này sẽ thay tôi nói lên cá tính và lối sống của mình.

Vì tất cả chi phí học đại học đều có bố mẹ lo nên tôi hầu như không lo lắng gì. Và tất nhiên, tôi không có khoản tiết kiệm nào cho riêng mình.

Ra trường đi làm được một vài năm, tôi vẫn phóng tay như vậy. Mọi chuyện có lẽ sẽ chẳng bao giờ thay đổi nếu tôi không trải qua 4 tháng thất nghiệp.

Tôi nhận ra

Ở nhà, không tạo ra thu nhập, tôi bắt đầu xài hết số tiền mình có trong tài khoản cho những bữa ăn sang trọng, cà phê đắt đỏ với bạn bè.

Khi không còn khả năng chi trả, tôi ngại gặp người khác hơn. Trong thời gian đó, tôi nhận ra mình thật sự là ai và ai còn ở bên cạnh mình lúc này.

Ước gì

Tôi ước mình biết tiền bạc và vật chất bên ngoài không quyết định con người thật của tôi hay bất cứ ai.

Từ sau khoảng nghỉ đó, tôi bắt đầu quan tâm đến chi tiêu hơn. Mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể, mỗi tháng tôi vẫn tiết kiệm khoảng 20% tổng thu nhập và gửi gia đình chi phí sinh hoạt.