Ảnh minh họaẢnh minh họa (Ảnh: Internet)

Đu đủ không chỉ hấp dẫn bởi màu sắc rực rỡ và hương vị ngọt ngào mà còn nổi tiếng với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào. Giàu vitamin, khoáng chất và enzyme papain, loại trái cây này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa công dụng của đu đủ mà không gặp phải tác dụng phụ ngoài ý muốn, bạn cần lưu ý ba điều quan trọng sau đây.

Tránh kết hợp đu đủ với sữa và các sản phẩm từ sữa

Theo Times of India, mặc dù đu đủ và các sản phẩm từ sữa như sữa tươi hoặc sữa chua đều rất bổ dưỡng, nhưng khi ăn cùng nhau, chúng có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa. Đu đủ chứa các enzyme như papain và chymopapain, có khả năng tác động đến protein trong sữa, khiến sữa bị đông lại. Điều này có thể dẫn đến đầy hơi, chướng bụng hoặc khó chịu ở dạ dày. Để đảm bảo tiêu hóa tốt nhất, bạn nên ăn đu đủ và các sản phẩm từ sữa vào những thời điểm khác nhau trong ngày.

Đu đủ xanh không phù hợp với một số người

Theo Medical News Today, đu đủ xanh hoặc chưa chín chứa hàm lượng cao latex – một hợp chất có thể gây kích ứng miệng và cổ họng, đặc biệt ở những người nhạy cảm với latex. Việc tiêu thụ đu đủ chưa chín có thể dẫn đến phản ứng dị ứng hoặc gây khó chịu cho hệ tiêu hóa. Để tận hưởng hương vị thơm ngon và tránh các tác dụng không mong muốn, bạn nên chọn đu đủ chín có vỏ mềm, màu cam đỏ và vị ngọt tự nhiên.

Phụ nữ mang thai cũng nên hạn chế ăn đu đủ xanh, đu đủ xanh và đu đủ chưa chín hoàn toàn có thể gây co bóp tử cung do đặc tính nhuận tràng, khiến mẹ bầu đối mặt với nguy cơ không mong muốn. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu thai kỳ, tốt nhất nên tránh ăn đu đủ chưa chín, trừ khi đã chín hoàn toàn. Với những phụ nữ có tiền sử sảy thai hoặc sinh non, các chuyên gia khuyến cáo không nên ăn đu đủ để đảm bảo an toàn cho thai kỳ.

Hạn chế ăn đu đủ cùng thực phẩm giàu protein, cay nóng hoặc khi dùng thuốc

Các enzyme trong đu đủ, đặc biệt là papain, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa protein. Tuy nhiên, khi ăn đu đủ cùng với thực phẩm giàu protein như thịt, cá hoặc đậu phụ, quá trình tiêu hóa có thể bị ảnh hưởng, gây đầy bụng và khó tiêu. Tốt nhất, bạn nên ăn đu đủ tách biệt với các thực phẩm này để hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.

Ngoài ra, kết hợp đu đủ với đồ ăn cay nóng có thể gây kích thích dạ dày, làm tăng cảm giác nóng rát, đau bụng, ợ nóng hoặc trào ngược axit, đặc biệt đối với những người có dạ dày nhạy cảm.

Bên cạnh đó, đu đủ có thể tương tác với một số loại thuốc. Chẳng hạn, nó có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu như warfarin, dẫn đến nguy cơ chảy máu cao hơn. Những người đang điều trị tiểu đường cũng nên theo dõi lượng đường trong máu khi ăn đu đủ. Nếu bạn đang dùng thuốc và muốn bổ sung đu đủ vào chế độ ăn uống, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Hà Trần (t/h)