Với giá trị tài sản ròng 195,4 tỷ USD, Chủ tịch hãng thời trang xa xỉ Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH) Bernard Arnault đã giàu hơn tỷ phú Jeff Bezos, người vừa mất 14 tỷ USD chỉ trong một ngày hôm đầu tuần.
Điều đó có nghĩa, ông chủ Amazon hiện tạm xuống vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Đứng thứ 3 là tỷ phú Elon Musk, người sáng lập hãng xe điện Tesla, với giá trị tài sản ròng 185 tỷ USD.
Vậy điều gì khiến tỷ phú Arnault vẫn luôn giữ được sự sắc sảo và khát khao dù đã ở tuổi 72? Dưới đây là 3 bí quyết kinh doanh thành công của ông trùm hàng hiệu người Pháp.
Tầm nhìn dài hạn
Năm 1991, tỷ phú Arnault lần đầu tiên đến Trung Quốc. Thời điểm đó Trung Quốc chưa dấu hiệu gì cho thấy thị trường hàng hiệu sẽ ăn nên làm ra. Tuy nhiên, ông đã mở một cửa hàng Louis Vuitton ở đó.
"Tôi nhớ lần đầu tiên đến Trung Quốc là vào năm 1991. Tôi tới Bắc Kinh. Tôi không thấy ô tô, chỉ có xe đạp, cũng không có những tòa nhà cao tầng. GDP lúc đó bằng 4% so với ngày nay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định mở cửa hàng Louis Vuitton đầu tiên tại Trung Quốc.
Ngày nay, Louis Vuitton đã trở thành thương hiệu xa xỉ số một trong nước và trên toàn thế giới. Trong 25 năm qua, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng ngày càng khao khát những sản phẩm chất lượng cao và sức mua tăng nhanh" - ông Arnault từng kể với Forbes.
Bước ra khỏi văn phòng và đến cửa hàng
"Tôi thường nói với nhân viên của mình rằng chúng ta phải cư xử như thể chúng ta vẫn là một công ty khởi nghiệp" - ông kể với Forbes và nói rằng: "Đừng đến văn phòng quá nhiều. Hãy tiếp xúc với khách hàng hoặc các nhà thiết kế khi họ đang làm việc".
Và như lời ông nói, hàng tuần ông Arnault đều đến thăm các cửa hàng của mình. "Tôi luôn tìm đến các quản lý cửa hàng. Tôi muốn thấy họ trong cửa hàng chứ không phải trong các văn phòng với đống giấy tờ".
Kiên nhẫn
Một trong những điều hối tiếc của ông Arnault là vội vàng bán một thương hiệu không hoạt động tốt lắm. Ông hối tiếc là đáng lẽ ông nên cho thương hiệu đó thêm thời gian bởi ngày nay một hãng tương tự như thế đang hoạt động rất tốt, đó là bài học để ông cân nhắc cho tình huống có thể xảy ra sau này.
"Đáng lẽ tôi nên giữ nó (công ty)" - ông nói và cho rằng: "Điều tôi rút ra được từ vụ việc này là khi bạn có một doanh nghiệp hoạt động không tốt, điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ hơn về doanh nghiệp đó và cần kiên nhẫn".
Nhật Linh (Theo Money Control)
Dân Trí