150 năm huy hoàng của kênh đào Suez "sụp đổ" vì một con tàu mắc kẹt

Sự tắc nghẽn đã làm nổi bật một vấn đề mà ngành vận tải biển đang phải đối mặt, đó là quá phụ thuộc vào kênh đào, trong khi tàu thuyền ngày càng lớn hơn.

Tiêu điểm - 150 năm huy hoàng của kênh đào Suez 'sụp đổ' vì một con tàu mắc kẹt

Tàu Ever Given mắc kẹt giữa kênh Suez.

Không phải ngày nào kênh đào Suez của Ai Cập cũng trở thành tâm điểm trên các trang báo toàn cầu. Trên thực tế, có nhiều người còn chưa bao giờ nghe nói về khu vực này cho đến vài ngày gần đây, khi một con tàu chở hàng khổng lồ có tên Ever Given bị mắc kẹt giữa con kênh.

Con tàu dài 400 m, nặng 200.000 tấn chịu tác động của gió lớn đã chắn ngang dòng lưu chuyển tàu thuyền tấp nập của con kênh hôm 23/3. Công ty sở hữu tàu đến từ Nhật Bản đã lên tiếng xin lỗi về sự phiền phức này nhưng thừa nhận rằng để kéo tàu Ever Given ra ngay lập tức là điều vô cùng khó khăn. Các kỹ sư hàng hải và cứu hộ đã thất bại trong nỗ lực giải phóng mới nhất.

Lý do tàu Ever Given thu hút sự chú ý là bởi nó đang chặn tuyến đường thương mại quốc tế quan trọng và làm gián đoạn hoạt động vận chuyển trên toàn cầu.

Các chuyên gia vận chuyển ước tính rằng nếu tình trạng tắc nghẽn nói trên không sớm được giải tỏa, một số hãng tàu có thể buộc phải điều tuyến lại hành trình về phía Nam châu Phi, kéo dài thêm khoảng một tuần so với thời gian vận chuyển ban đầu.

Kênh đào Suez

Tiêu điểm - 150 năm huy hoàng của kênh đào Suez 'sụp đổ' vì một con tàu mắc kẹt (Hình 2).

Kênh đào Suez là tuyến đường thương mại quan trọng nhất trên thế giới.

Kênh đào Suez là một tuyến đường thủy nhân tạo ở Ai Cập nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ. Đây là tuyến đường quan trọng từ châu Âu đến Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.

Kênh đào của Ai Cập là một trong những tuyến đường thủy vận chuyển hàng hóa nhộn nhịp nhất trên thế giới.

Con kênh kéo dài từ trạm cuối phía Bắc của Port Said đến trạm cuối phía Nam của cảng Tewfik tại thành phố Suez.

Chiều dài của nó là 193,3 km, với các kênh tiếp cận từ phía Bắc và phía Nam, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1859 trước khi chính thức mở cửa vào tháng 11/1869.

Ước tính có khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua kênh đào, vì nó là con đường biển ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu.

Kênh đào là tuyến đường trực tiếp, tránh Nam Đại Tây Dương và Nam Ấn Độ Dương, cắt giảm thời gian di chuyển từ Biển Ả Rập đến Châu Âu 8 - 10 ngày, tương đương 8.900 km.

Nếu tàu thuyền đi tuyến đường thay thế quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi, hành trình sẽ mất thêm hai tuần nữa.

Theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez, gần 19.000 tàu đã đi qua kênh này vào năm 2020 và hiện có 156 tàu đang chờ khu vực được khai thông để đi qua.

Sự tắc nghẽn lần này chưa từng xảy ra trong lịch sử 150 năm của kênh đào.

Ever Given đã cắt đứt lối vào ở giữa đường thủy, buộc các con tàu phải chờ đợi trong tình trạng lấp lửng, dọc theo con kênh và ở cả hai đầu.

Chủ tàu và khách chờ nhận hàng là những người bị ảnh hưởng chủ yếu.

Sự tắc nghẽn đã làm nổi bật một vấn đề mà ngành vận tải biển đang phải đối mặt, đó là quá phụ thuộc vào kênh đào, trong khi ngày càng có nhiều tàu vận chuyển lưu thông và các container ngày càng lớn hơn.

Các chuyên gia vận tải tin rằng có thể mất vài ngày hoặc thậm chí vài tuần để giải phóng con tàu mắc kẹt có chiều dài gần bằng tòa nhà Empire State ở New York.

Hiện tại, các tàu nạo vét chuyên dụng đang loại bỏ cát và bùn quanh mạn trái của mũi tàu Ever Given.

Phụ thuộc

Tiêu điểm - 150 năm huy hoàng của kênh đào Suez 'sụp đổ' vì một con tàu mắc kẹt (Hình 3).

Quá trình giải cứu tàu Ever Given có thể mất đến vài tuần.

Theo New York Times, câu chuyện của Ever Given cho thấy, chỉ một con tàu cũng có thể gây ra sự hỗn loạn từ Los Angeles, Rotterdam cho tới tận Thượng Hải, khiến người ta choáng ngợp trước lưu lượng thương mại khổng lồ xoay quanh các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong những thập kỷ gần đây, nền kinh tế đã đi theo xu hướng sản xuất và vận chuyển tức thời để hạn chế chi phí và tăng lợi nhuận. Thay vì lãng phí tiền bạc để tích trữ hàng hóa trong kho, các công ty có thể phụ thuộc vào sự kỳ diệu của internet và ngành vận chuyển toàn cầu để huy động bất kể những gì họ cần.

Việc nắm bắt ý tưởng này đã mang lại không ít cuộc cách mạng cho các ngành công nghiệp lớn - sản xuất ô tô và thiết bị y tế, bán lẻ, dược phẩm và nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, cũng như mọi thứ trong cuộc sống, lạm dụng quá nhiều có thể mang lại nguy hiểm.

“Khi chúng ta ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta càng phải đối mặt với những yếu tố nguy hiểm nảy sinh, những điều khó có thể đoán trước”, Ian Goldin, giáo sư toàn cầu hóa tại Đại học Oxford, cho biết.

“Không ai có thể đoán trước được một con tàu sẽ mắc kẹt giữa kênh, cũng như không ai đoán trước được đại dịch sẽ đến từ đâu. Cũng giống như chúng tôi không thể dự đoán cuộc tấn công mạng tiếp theo, hoặc cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, nhưng chúng tôi biết nó sẽ xảy ra”.

Nghe có vẻ khó tin nhưng theo phân tích của Bloomberg, chỉ một con tàu mắc kẹt như vậy cũng đang cản trở lưu lượng hàng hóa trị giá 9,6 tỷ USD mỗi ngày.

Trương Mạnh Kiên