14 hiệp hội cho rằng đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 do biến chủng Delta đã dẫn đến việc giãn cách xã hội tại Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh phía Nam đã kéo dài 2-3 tháng, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và khó trụ được nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của TP HCM tháng 8 vừa qua giảm hơn 49%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm hơn 59%.
Văn bản kiến nghị cũng nêu khoảng 18% doanh nghiệp EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông-ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.
Với tinh thần cao nhất của cộng đồng doanh nghiệp là luôn chung tay với Chính phủ và Thủ tướng, cùng với tiếp cận chống dịch linh hoạt mới, yêu cầu khởi động lại nền kinh tế là rất cấp bách.
Để đảm bảo cả 3 trụ cột y tế, kinh tế, xã hội như “kiềng 3 chân”, 14 hiệp hội đề nghị Thủ tướng ban hành chỉ thị phòng, chống dịch phù hợp với quan điểm và tình hình mới thay thế Chỉ thị số 15, 16, do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, mục tiêu “Zero Covid-19” đã chuyển sang “sống chung với Covid-19”. Chỉ thị mới nên quy định thống nhất những tiêu chí, điều kiện phòng chống dịch phục hồi kinh tế và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
14 hiệp hội cũng kiến nghị được trao quyền chủ động về mô hình và phương thức tổ chức sản xuất và hoạt động phòng chống dịch Covid-19 cho các tổ chức, doanh nghiệp. Trường hợp có F0 trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền, phân xưởng, bộ phận riêng biệt thì không cực đoan phong tỏa, đóng cửa cả doanh nghiệp.
14 hiệp hội doanh nghiệp cũng kiến nghị xây dựng các trạm y tế lưu động, cố định tại các khu công nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp xây dựng tổ y tế lưu động phản ứng nhanh để phòng chống dịch Covid-19. Muốn làm được như vậy, năng lực và trang thiết bị cho cán bộ y tế cơ sở cũng phải được tăng cường.
Người lao động đang mắc kẹt ở các khu nhà trọ sẽ được về quê hoặc quay trở lại làm việc sau khi xét nghiệm. Việc xét nghiệm được đề xuất miễn phí và người lao động được hỗ trợ tiền để di chuyển hoặc tìm kiếm công việc mới sau khi có xét nghiệm âm tính 3 lần. Địa phương nơi người lao động đế có trách nhiệm hướng dẫn cách ly, xét nghiệm lại trong 14 ngày.
Về chiến lược quản lý dịch bệnh Covid-19 theo điểm, 14 hiệp hội cho rằng không áp dụng phong toả, cách ly theo vùng địa lý mà quản lý phòng chống dịch theo điểm, nghĩa là chia nhỏ khu vực giãn cách. Trường hợp có F0 sẽ cách ly theo căn nhà, căn hộ hoặc hộ cá nhân kinh doanh, công trình hay bến cảng thay vì cách ly cả vùng. Điểm có F0 gọi là điểm đỏ thay vì vùng đỏ.
Điểm sản xuất được đề xuất tự lập phương án phòng chống dịch và thực hiện 5K. Việc xét nghiệm xác suất 10% lao động với tần suất 7 ngày một lần. Bộ Y tế ban hành công điện hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp toàn quốc về quy tắc test Covid-19 trong nhà máy, doanh nghiệp với những nội dung cụ thể như tỷ lệ công nhân phải test, thời gian test đối với những trường hợp như chưa tiêm vaccin, đã tiêm 1 mũi và đã tiêm 2 mũi.
Về hoạt động vận tải, các hiệp hội đề xuất Thủ tướng xem xét chỉ đạo các địa phương bãi bỏ những hạn chế về vận tải hàng hóa giữa các vùng và chỉ kiểm tra tại điểm đầu với điểm đến. Trường hợp lái xe chở hàng đến từ các vùng có dịch cần tuân thủ 5K và có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72h, thực hiện theo nguyên tắc “bong bóng”, không tiếp xúc. Trường hợp lái xe đến từ những vùng khác chỉ cần tuân thủ quy tắc 5K.
Ngoài ra, về chi phí xét nghiệm, 14 hiệp hội đề xuất cho các tổ chức y tế được phép bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh và kiểm soát giá như mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật Giá. Theo đó, ngân sách Nhà nước chi trả những chi phí cho các cá nhân chưa có bảo hiểm y tế. Cơ quan bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho những trường hợp đang đóng bảo hiểm y tế. Bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị. Chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch của các tổ chức, doanh nghiệp được khấu trừ vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí công đoàn hay phí bảo hiểm xã hội.
NGỌC HÀ