10-su-kien-tieu-bieu-1643528273.png

Năm 2021, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức, khó khăn chưa từng có tiền lệ, đặc biệt đại dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng bùng nổ về mọi phương diện, từ chỉ số cho tới thanh khoản, số lượng tài khoản chứng khoán…

UBCKNN đã nêu ra 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Chứng khoán Việt Nam năm 2021 được lựa chọn dựa trên tiêu chí là những sự kiện, vấn đề thu hút sự quan tâm của công chúng cũng như giới truyền thông, có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành Chứng khoán trong dài hạn và những sự kiện có tác động lớn đến diễn biến thị trường trong năm qua.

1. Kỷ niệm 25 năm Ngày truyền thống ngành Chứng khoán

Ngày 28/11/2021, ngành Chứng khoán Việt Nam kỷ niệm 25 năm ngày Truyền thống ngành Chứng khoán. Trải qua 25 năm thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN (theo Nghị định số 75/CP ngày 28/11/1996 của Chính phủ) và hơn 21 năm vận hành TTCK, ngành Chứng khoán đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được những thành quả rất đáng tự hào.

TTCK Việt Nam đã trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Tính từ đầu năm 2011 đến tháng 9/2021, TTCK đã giúp huy động 2,9 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển.

Sau 21 năm hoạt động, TTCK đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ: Cơ cấu của thị trường từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu lúc ban đầu, đến nay đã có thêm thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) và TTCK phái sinh. Quy mô vốn hóa TTCK liên tục tăng trưởng qua các giai đoạn. Năm 2000, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu/GDP chiếm 0,22%, năm 2010 tăng lên 33,52% và tại ngày 31/12/2021 đạt 123,4% GDP năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân hàng ngày từ chỗ rất nhỏ, đến nay đã vượt con số 1 tỷ USD/phiên, vươn lên đứng hàng thứ 2 trong khu vực ASEAN.

Khung pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động của TTCK không ngừng được hoàn thiện, trong đó các thế hệ Luật Chứng khoán và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán cơ bản phù hợp với thực tế vận động của thị trường và thực tiễn đời sống kinh tế đất nước, bảo đảm cho quá trình giao dịch, vận hành và quản lý TTCK thông suốt, an toàn, công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Đặc biệt, sự phát triển của TTCK đã giúp hình thành nên một chuẩn mực mới về tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng quản trị công ty theo thông lệ quốc tế. Nhờ vậy, lòng tin của công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào doanh nghiệp và hệ thống kinh tế của Việt Nam nói chung được tăng cường.

Ngoài ra, TTCK đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho quá trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn thông qua đấu giá và niêm yết cổ phiếu trên TTCK, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN.

2. Ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam

Ngày 11/12/2021 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Việt Nam (Vietnam Exchange - VNX). VNX được thành lập theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 06/8/2021. VNX được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con trên cơ sở sắp xếp lại SGDCK Hà Nội (HNX) và SGDCK Tp. Hồ Chí Minh (HOSE). VNX và các công ty con có chức năng tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán và các chức năng khác theo điều lệ tổ chức và hoạt động cũng như quy định của pháp luật, thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Vốn điều lệ của VNX là 3.000 tỷ đồng, trụ sở chính tại Hà Nội.

SGDCK Việt Nam ra đời là một cột mốc quan trọng với toàn thể ngành Chứng khoán, đánh dấu sự hoàn thiện về mô hình tổ chức của TTCK Việt Nam. Đây là nỗ lực tái cấu trúc để hoàn thiện cơ chế quản lý và tổ chức vận hành TTCK nhằm đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường.

3. TTCK liên tiếp xác lập các kỷ lục mới về điểm số và thanh khoản

TTCK Việt Nam năm 2021 đã ghi nhận thời khắc lịch sử khi liên tiếp xác lập các kỷ lục mới về điểm số và thanh khoản. Chỉ số VN Index đã chính thức xác lập kỷ lục mới tại 1.500,81 điểm vào phiên 25/11 sau 21 năm hoạt động. Mốc 1.500 điểm là con số được giới phân tích và các nhà đầu tư kỳ vọng rất nhiều trong năm nay sau khi các mốc 1.200 và 1.400 điểm lần lượt được xác lập vào tháng 4 và tháng 5/2021. So với đầu năm, mức đỉnh này của chỉ số VN Index đã tăng gần 36%.

Đi cùng điểm số là thanh khoản thị trường cũng tăng kỷ lục. Dòng tiền trong nước liên tục đổ vào TTCK đã khiến HOSE rơi vào tình trạng nghẽn lệnh trong những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, cơ quan quản lý, HOSE đã phối hợp với tập đoàn FPT thực hiện thành công giải pháp xử lý nghẽn lệnh, đảm bảo hoạt động của thị trường được thông suốt. Thanh khoản thị trường thiết lập mức cao nhất với mỗi phiên giá trị khớp lệnh được tính bằng tỷ USD. Đặc biệt, phiên 19/11 ghi nhận mức thanh khoản lịch sử với gần 56.337 tỷ đồng trên toàn thị trường (xấp xỉ 2,5 tỷ USD). Trong đó, sàn HOSE đạt 44.473 tỷ đồng, HNX đạt 6.470,35 tỷ đồng và UPCoM là 5.065 tỷ đồng.

4. Tiếp tục giảm giá dịch vụ chứng khoán, hỗ trợ TTCK vượt qua đại dịch

Trước bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ đối với nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Một trong những giải pháp đó là giảm giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán.

Ngày 14/5/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2021/TT-BTC nhằm kéo dài thời gian miễn phí, giảm giá 15 loại dịch vụ chứng khoán1.

Ngày 17/11/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2021/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại SGDCK và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) và Thông tư số 102/2021/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào TTCK Việt Nam. Theo đó, từ ngày 01/01/2022 sẽ giảm giá, ưu đãi 10 - 50% đối với nhiều dịch vụ do SGDCK và VSDC cung cấp như dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán… Đối với khối các dịch vụ do các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, mức giá cũng được điều chỉnh giảm tối đa, cụ thể một số dịch vụ như: Giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ; dịch vụ đấu giá… Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Bộ Tài chính đã đưa ra chính sách giảm 50% mức giá cho chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh đối với các dịch vụ đăng ký niêm yết, quản lý niêm yết, dịch vụ giao dịch, đăng ký/hủy đăng ký chứng khoán và dịch vụ lưu ký chứng khoán.

Việc ban hành các quy định mới về giá trong lĩnh vực chứng khoán nhằm hỗ trợ thị trường, thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản cho thị trường, thúc đẩy TTCK phát triển, đảm nhiệm tốt vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

5. VSD kỷ niệm 15 năm hoạt động, vận hành thành công hệ thống Quỹ hưu trí tự nguyện và triển khai dịch vụ đăng ký tài sản có đảm bảo

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) được thành lập theo Quyết định số 189/2005/QĐ-TTg ngày 27/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Qua 15 năm hoạt động, phát triển, đồng hành cùng thị trường, VSD đã và đang hoàn thành tốt vai trò và sứ mệnh đặc biệt của mình, đảm bảo cho các dòng tiền và tài sản trên TTCK luôn chu chuyển nhịp nhàng, thông suốt, an toàn, hiệu quả và bảo mật, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của toàn ngành Chứng khoán nói chung và TTCK nói riêng. Cho đến nay, VSD không ngừng mở rộng quy mô cung cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng, trở thành nơi lưu giữ tập trung an toàn tài sản cho nhà đầu tư tham gia thị trường.

Theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019, trong thời gian 02 năm kể từ ngày Luật Chứng khoán có hiệu lực (01/1/2021), VSD sẽ chuyển đổi thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC). Việc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Tổng công ty sẽ tiếp tục là dấu mốc mới về việc hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của VSD và TTCK Việt Nam.

Cũng trong năm 2021, VSD đã đưa vào vận hành thành công hệ thống Quỹ hưu trí tự nguyện đầu tiên tại Việt Nam kể từ ngày 27/4/2021 sau 5 năm ròng rã chuẩn bị kể từ khi có khung pháp lý vào năm 2016 (Nghị định số 88/2016/NĐ-CP của Chính phủ). Đơn vị triển khai chương trình là Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) với sản phẩm đầu tiên là Chương trình Hưu trí An Vui. Việc ra đời chương trình Hưu trí An Vui có vai trò quan trọng là hoàn thành những mảnh ghép cuối cùng trong việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam.

Sự hình thành các quỹ hưu trí tự nguyện là giải pháp chiến lược dài hạn đối với hệ thống an sinh xã hội. Quan trọng hơn, đối với thị trường Việt Nam, chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện giúp Việt Nam có thêm kênh đầu tư dài hạn, phát triển thị trường vốn. Việc ra mắt sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện ở Việt Nam được xem là cột mốc quan trọng trong phát triển của ngành Quỹ.

Ngoài ra, trong năm 2021, VSD cũng đã hoàn thành và sẵn sàng triển khai Cổng giao tiếp điện tử giữa VSD và tổ chức phát hành; Đồng thời hoàn thành công tác chuẩn bị và thực hiện cung cấp dịch vụ đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đăng ký tập trung tại VSD theo đúng lộ trình quy định tại Luật Chứng khoán 2019.

6. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới lập kỷ lục

Năm 2021 chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán tăng kỷ lục. Thống kê của VSD cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2021, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong năm 2021 đạt 1.552.634 tài khoản, bằng con số của hơn 4 năm trước cộng lại. Con số kỷ lục này đã góp phần nâng tổng số lượng tài  khoản chứng khoán tại Việt Nam đến nay đạt trên 4,3 triệu tài khoản, trong khi giai đoạn đầu của TTCK Việt Nam chỉ có 3.000 tài khoản chứng khoán. Đặc biệt, giá trị danh mục đầu tư của nhà ĐTNN đã tăng khoảng gấp 6,5 lần trong vòng 10 năm qua và hiện đạt khoảng 50 tỷ USD.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới tăng mạnh cho thấy triển vọng và tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam, góp phần trong việc duy trì thanh khoản của thị trường.

7. Quy định lộ trình sắp xếp lại các thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác

Ngày 12/7/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 57/2021/TT-BTC quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác (Thông tư 57). Theo đó, chậm nhất đến hết ngày 30/6/2025, HOSE thống nhất tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm niêm yết, thị trường giao dịch cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thị trường giao dịch trái phiếu và TTCK phái sinh sẽ do HNX tổ chức và phải đảm bảo triển khai trước ngày 30/12/2022. Theo Thông tư 57, HOSE tiếp tục tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu chính quyền địa phương đã niêm yết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành (20/7/2021) cho đến ngày đáo hạn; thực hiện chuyển trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) niêm yết từ HOSE sang HNX và không tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết trái phiếu mới.

Tính đến hết ngày 31/12/2021, HOSE đã hoàn thành việc chuyển toàn bộ TPDN niêm yết tại HOSE sang HNX, mở đầu cho lộ trình sắp xếp lại các thị trường giao dịch chứng khoán.

Việc sắp xếp lại các thị trường giao dịch chứng khoán nhằm đảm bảo tuân thủ theo Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản pháp lý liên quan khác, bảo đảm thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán, góp phần quan trọng thúc đẩy thị trường hoạt động công khai, công bằng, hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần tăng năng lực kết nối và nâng tầm vị thế của TTCK Việt Nam trong tương quan với các thị trường trong khu vực và trên thế giới.

8. Đưa Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm vào giao dịch trên TTCK phái sinh

Ngày 28/6/2021, HNX chính thức đưa sản phẩm hợp đồng tương lai (HĐTL) trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 10 năm vào giao dịch trên TTCK phái sinh. Đây là sản phẩm thứ 3 được đưa vào giao dịch trên thị trường này sau 2 sản phẩm đầu tiên là HĐTL chỉ số VN30 và HĐTL TPCP 5 năm. HĐTL TPCP 10 năm được giao dịch trên thị trường tiếp tục góp phần đa dạng hóa sản phẩm giao dịch trên TTCK phái sinh, đồng thời được kỳ vọng là sản phẩm phòng vệ rủi ro hiệu quả cho thị trường TPCP.

Việc lựa chọn TPCP kỳ hạn 10 năm làm tài sản cơ sở cho HĐTL TPCP đã được cân nhắc, tính toán dựa trên tính thanh khoản cũng như tỷ trọng của loại kỳ hạn này trong cơ cấu kỳ hạn phát hành trên thị trường giao ngay. Với việc bổ sung đối tượng được phép giao dịch HĐTL TPCP 10 năm ngoài các nhà đầu tư tổ chức còn có các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, việc triển khai sản phẩm HĐTL TPCP kỳ hạn 10 năm được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường.

TTCK phái sinh ngày càng thể hiện đúng vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro và kênh đầu tư hiệu quả, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển TTCK cơ sở. Việc nghiên cứu xây dựng và bổ sung sản phẩm mới cho thị trường là nỗ lực của HNX, VSD, các thành viên thị trường để phát triển thị trường theo lộ trình và đáp ứng nhu cầu của công chúng đầu tư.

9. Huy động vốn của doanh nghiệp niêm yết và thành viên thị trường cao kỷ lục

Trong năm 2021, tổng mức huy động vốn trên TTCK tăng 25% so với năm 2020, trong đó phát hành cổ phiếu và TPDN đạt 155.588 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2020; huy động vốn qua cho ngân sách nhà nước đạt 318 nghìn tỷ đồng với kỳ hạn huy động qua phát hành TPCP bình quân dài nhất là 13,92 năm với mức lãi suất huy động bình quân thấp nhất đạt 2,3% năm, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công của Chính phủ.

Năm 2021 cũng chứng kiến "làn sóng" tăng vốn của các doanh nghiệp niêm yết với tổng số lượng cổ phiếu đăng ký chào bán đạt hơn 16.330 triệu cổ phiếu (tương ứng giá trị hơn 177 nghìn tỷ đồng), tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, trước sức nóng của TTCK, nhu cầu tăng vốn của các công ty chứng khoán (CTCK) cũng tăng mạnh. Tính đến ngày 30/12/2021, có tới 32 CTCK có kế hoạch tăng vốn hoặc đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ trong năm 2021 (chủ yếu thông qua các hình thức như trả cổ tức, quyền mua, phát hành riêng lẻ…) với tổng số vốn tăng là 32.579 tỷ đồng.

Đối với các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) và quỹ đầu tư chứng khoán trong năm 2021 cũng có sự tăng trưởng mạnh cả về quy mô và kết quả kinh doanh. Trong năm 2021, UBCKNN đã cấp phép thành lập thêm 14 quỹ đầu tư chứng khoán, nâng tổng số quỹ hoạt động lên 70 quỹ. Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đầu tư chứng khoán tại thời điểm cuối năm 2021 đạt khoảng hơn 83 nghìn tỷ đồng, tăng 44% so với cuối năm 2020. Tổng lợi nhuận của 43 CTQLQ 9 tháng đầu năm 2021 tăng 162,36% so với cùng kỳ năm 2020, tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) tại các CTQLQ tính đến thời điểm ngày 31/12/2021 là hơn 572 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với thời điểm cuối năm 2020.

Ngoài ra, huy động vốn qua phát hành TPDN đạt kỷ lục trên 500.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

10. Ra mắt trang Web giáo dục nhà đầu tư

Ngày 19/11/2021, UBCKNN phối hợp với Cơ quan Hợp tác Phát triển Luxembourg tổ chức Lễ ra mắt trang web đào tạo nhà đầu tư nhằm tăng cường đào tạo, nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư về chứng khoán và TTCK với tên miền http://nhadautu.srtc.org.vn. Trang web do UBCKNN phối hợp với Cơ quan Hợp tác Phát triển Luxembourg triển khai thực hiện trong khuôn khổ Dự án VIE032 "Nâng cao Năng lực trong Lĩnh vực Tài chính" do Chính phủ Luxembourg tài trợ cho Chính phủ Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo Chứng khoán là đơn vị được giao vận hành, khai thác và sử dụng trang web này.

Trang web giáo dục nhà đầu tư đăng tải kiến thức cơ bản về chứng khoán và TTCK, giới thiệu các sản phẩm đầu tư, cập nhật khung pháp lý điều chỉnh thị trường và các nội dung hữu ích khác. Tại trang web này, nhà đầu tư có thể sử dụng nhiều công cụ đa dạng khác nhau để tìm hiểu các kiến thức từ căn bản tới chuyên sâu về đầu tư chứng khoán một cách tiện ích, hiệu quả và nhanh chóng. UBCKNN hi vọng thông qua trang web này, nhà đầu tư thu nhận được nhiều kiến thức hữu ích, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư.

Việc xây dựng và phát triển một website dành riêng cho mục đích giáo dục nhà đầu tư là việc cần thiết trong bối cảnh TTCK Việt Nam ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, công tác đào tạo nhà đầu tư đứng trước đòi hỏi phải liên tục được đổi mới, nâng cao chất lượng về cả nội dung cũng như hình thức truyền tải…

 

Bảo Sơn

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị